Trưởng thôn nghèo tìm kế sinh nhai
Huyện Tào thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nổi tiếng là làng nghề sản xuất trang phục biểu diễn và trang phục truyền thống, là cơ sở chế biến gỗ lớn nhất Trung Quốc, chiếm 90% thị trường gỗ chế tạo quan tài nước ngoài...
Tại huyện Tào có hơn 300.000 người kinh doanh thương mại điện tử và cứ mỗi năm người sẽ có một người làm trong ngành thương mại điện tử.
Từ năm 2010 đến năm 2022, huyện Tào từ mức GDP thấp nhất trong tỉnh tăng vọt lên 46,4 tỷ đồng, trong đó hơn 23 tỷ đồng đến từ giao dịch thương mại điện tử.
Sự phát triển và nổi tiếng của huyện Tào không thể tách rời công lao của người góp công tạo ra hàng chục tỷ GDP cho huyện Tào, ông là trưởng thôn của thôn Đinh Lâu, thị trấn Đại Tập, huyện Tào - Nhậm Khánh Sinh. Trưởng thôn chính là người là người đã dẫn dắt huyện Tào đi lên con đường kinh doanh thương mại điện tử.
Nhậm Khánh Sinh gia nhập ngành thương mại điện tử nhờ một cơ duyên tình cờ, ông không ngờ có một ngày mình sẽ dẫn dắt nhiều người cùng làm giàu đến vậy.
Nhậm Khánh Sinh đã dựa vào điều gì để biến một huyện nghèo thành một địa danh giàu có và nổi tiếng trong và ngoài nước?
Huyện Tào là một huyện thành nhỏ ở Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, được xây dựng vào thời nhà Minh, dân số hơn 1,7 triệu người, giao thông nơi đây vô cùng bất tiện và kinh tế khó khăn.
Huyện Tào từng là huyện có lượng dân lao động nhập cư lớn nhất tỉnh Sơn Đông, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương là tiền lương từ lao động nhập cư. Số liệu thống kê cho thấy năm 2005, huyện Tào có 200.000 lao động nhập cư với thu nhập bình quân hàng tháng chỉ 700 NDT, GDP của huyện này đứng cuối tỉnh, thuộc đối tượng xóa đói giảm nghèo trọng điểm của tỉnh.
Thôn Đinh Lâu, huyện Tào nổi tiếng là một thôn làng nghèo khó với vị trí địa lý hẻo lánh, điều kiện sống còn lạc hậu, thanh niên trong thôn đều không muốn ở lại quê hương phát triển. Thôn Đinh Lâu có nghề thủ công truyền thống làm trang phục biểu diễn, do vị trí thôn nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, những trang phục làm ra không bán được, thu nhập của người thợ nghề cực kỳ ít ỏi.
Nhậm Khánh Sinh cũng là một trong số rất nhiều thanh niên ở thôn Đinh Lâu ra ngoại tỉnh làm công, vì kế sinh nhai của gia đình ông không thể không tha hương đất khách để đi kiếm tiền sau khi vừa mới kết hôn.
Bấy giờ tình hình kinh tế gia đình ông vô cùng khó khăn, phần lớn tiền kiếm được dùng để đóng các khoản học phí cho con, ngay cả Tết cũng chẳng có tiền để sắm sửa, có lần ông vay người dân trong thôn 50 tệ, mãi đến hai năm sau mới có thể trả hết được.
Khoảng thời gian Nhậm Khánh Sinh làm việc bên ngoài không hề thuận buồm xuôi gió, ông từng đi đào than cho người ta khi ở Sơn Tây, mỗi ngày đều liều mạng kiếm tiền.
Ông cũng từng làm qua công việc của một thợ hồ tại công trường, khi làm việc không may bị đinh thép đâm vào lòng bàn chân, Nhậm Khánh Sinh không nỡ bỏ tiền ra đến bệnh viện, liền điều trị đơn giản, sau đó lại khập khiễng làm tiếp công việc.
Ông nỗ lực làm việc ròng rã suốt một năm cũng chỉ kiếm được vài đồng lẻ, cuộc sống vô cùng nghèo túng.
Tết năm 2009, những ngày tháng khổ tận cam lai cuối cùng cũng đến, ông nghe một đồng nghiệp kể rằng ông ta có một người bạn mở một cửa hàng thịt bò trực tuyến và công việc kinh doanh đang rất tốt.
Dẫn cả làng đi kinh doanh thương mại điện tử
Nhậm Khánh Sinh vừa nghe đã xiêu lòng, ông chưa từng tiếp xúc với máy tính nên đã vay mượn khắp nơi để mua một chiếc máy tính có giá hơn 1.000 NDT.
Nhậm Khánh Sinh và vợ không có trình độ học vấn cao, họ nghiền ngẫm vốn từ trong cuốn từ điển nhiều ngày liền mới đăng ký thành công cửa hàng trực tuyến đầu tiên của thôn Đinh Lâu trên mạng.
Cửa hàng đã có, vậy nên bán mặt hàng gì? Nhậm Khánh Sinh ngắm trúng nghề thủ công truyền thống trong thôn và việc bán trang phục biểu diễn có thể giúp các thợ thủ công trong thôn mở ra doanh thu.
Tuy kế hoạch trong tưởng tượng của ông rất tốt, nhưng thực tế rất phũ phàng.
Từ khi cửa hàng trực tuyến khai trương cho đến tháng 5 năm 2010, không nhận được bất kỳ mối làm ăn nào, cộng thêm những lời gièm pha chưa bao giờ dứt của người xung quanh, Nhậm Khánh Sinh dần muốn từ bỏ việc kinh doanh cửa hàng trực tuyến.
Nhưng món quà ông trời ban cho những người chăm chỉ chưa bao giờ muộn cả.
Chính vào lúc này, một đơn đặt hàng 36 bộ trang phục của studio ảnh khiến Nhậm Khánh Sinh cuối cùng cũng nhìn thấy được hy vọng phía trước.
Nhậm Khánh Sinh đã kiếm được hơn 600 NDT từ đơn hàng này, số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cũng tương đương với thu nhập của dân làng trong hai năm làm nông nghiệp.
Mọi người trong thôn đều thân thiết với nhau, cho nên tin tức lan truyền ra nhanh chóng, việc Nhậm Khánh Sinh mở cửa hàng trực tuyến để kiếm tiền đã lan truyền khắp toàn bộ thôn Đinh Lâu.
Người trẻ trong thôn bắt đầu học theo cách kinh doanh này, những người linh hoạt hơn đi theo Nhậm Khánh Sinh mở cửa hàng trực tuyến từ rất sớm.
Đến cuối năm 2010, có hơn 20 cửa hàng trên Taobao bán quần áo biểu diễn của thôn Đinh Lâu, đến năm thứ hai, con số đã tăng lên hơn 100 cửa hàng.
Thời đại thương mại điện tử phát triển nhanh chóng được tính bằng giây, kể từ sau khi cải cách thời trang nhu cầu của mọi người về trang phục trong phương diện văn hóa tinh thần ngày càng cao.
Dưới sự lãnh đạo của Nhậm Khánh Sinh, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của thôn Đinh Lâu cũng hình thành nên quy mô và danh tiếng. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự phát triển chung của các thôn xung quanh.
Lấy thôn Đinh Lâu làm trọng điểm, hơn 70 công ty quần áo đã được thành lập ở thị trấn Đại Tập, huyện Tào và có hơn hàng chục nghìn dân làng đã tham gia vào thị trường bán hàng trực tuyến.
Sự thành công của thôn Đinh Lâu không chỉ thu hút người lao động nhập cư về quê mà còn thu hút một số người dân có trình độ học vấn cao trở về quê làm ăn sau khi nghe tin quê mình phát triển vượt bậc.
Huyện Tào có hơn 60.000 cửa hàng trực tuyến và cứ mỗi năm người thì có một người tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Hơn 300.000 người làm chung một ngành nghề trong cùng một khu vực và họ cùng nhau tạo thành một quy mô công nghiệp lớn.
Lợi ích trực tiếp mà quy mô công nghiệp này mang lại cho người dân là kiếm tiền. Doanh thu hàng năm của cửa hàng trực tuyến bán trang phục biểu diễn ở huyện Tào gần đến 500 triệu NDT và thu nhập ròng bình quân đầu người là khoảng 80.000 NDT.
Huyện Tào cũng không vì thành tích vượt bậc hiện tại dậm chân tại chỗ, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu bán trang phục biểu diễn ở huyện Tào bị ảnh hưởng, doanh thu giảm mạnh.
Nhậm Khánh Sinh đã kịp thời dẫn dắt mọi người chuyển hướng và mở rộng kinh doanh sang bán quần áo cưới, quần áo dân tộc, quần áo thể thao, v.v.
Khi văn hóa trang phục truyền thống đang trên đà phát triển, Nhậm Khánh Sinh nhanh chóng phát hiện ra các cơ hội kinh doanh trong mảng trang phục truyền thống, ông hợp tác với các sinh viên đại học trong thôn khiến cho ngành công nghiệp trang phục truyền thống trở nên lớn mạnh hơn. Đến năm 2022, có khoảng 80% trang phục truyền thống bán trên Taobao đều đến từ huyện Tào.
Huyện Tào lại một lần nữa chớp được thời cơ của thời đại, dân làng ngày càng giàu lên.
Nắm bắt cơ hội, cả làng làm giàu
Trên thực tế, ngoài lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử ra, huyện Tào còn làm giàu nhờ vào kinh doanh ngành chế tạo quan tài.
Quan tài ở huyện Tào rất được người nước ngoài ưa chuộng, chiếm hơn 90% thị trường quan tài ở nước ngoài. Ngoài chất lượng gỗ ở huyện Tào rất tốt và tay nghề chạm khắc được liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể ra, điều này có liên quan mật thiết đến phong tục hỏa táng quan tài.
Do đặc tính nhẹ và giá cả phải chăng, nên các đơn đặt hàng quan tài từ nước ngoài đã đổ ào ạt về các cửa hàng trực tuyến lớn ở huyện Tào. Hiện nay, giá trị sản lượng hàng năm của ngành chế tạo quan tài ở huyện Tào đã đạt 50 tỷ NDT.
Dưới sự dẫn dắt tài tình của Nhậm Khánh Sinh huyện Tào phát triển nhanh chóng, những con đường đất trên phố đã trở thành những con đường nhựa, những ngôi nhà đất dột nát được thay thế bằng những tòa nhà kiểu phương Tây nhỏ xinh, gia đình nào cũng có xe hơi, xe sang như Mercedes-Benz, BMW...
Không ai có thể thành công một cách ngẫu nhiên, sự thành công của Nhậm Khánh Sinh và huyện Tào không chỉ nhờ vào thời cơ của thời đại mà còn vì sự cần cù chịu khó, phấn đấu làm việc giúp họ đạt được thành tích đáng kể như ngày hôm nay.
Nhậm Khánh Sinh rất giỏi trong việc nắm bắt những cơ hội mới và ông sẽ nghiên cứu nó đến cùng. Khi mới bắt đầu kinh doanh trang phục biểu diễn, ông cùng các doanh nhân trong thôn đi tìm nguồn tiêu thụ, đi đến các studio trong khắp cả nước nhằm thúc đẩy công việc kinh doanh của thôn. Họ cùng nhau thảo luận và phát triển thương hiệu trang phục truyền thống của riêng huyện Tào, đến năm 2022, doanh thu của trang phục truyền thống gần vượt 10 tỷ NDT.
Khi họ sản xuất quan tài, khách hàng nước ngoài được họ mời đến nhà máy để quan sát quy trình sản xuất, đối với những nhân công mới vào nghề sẽ được đào tạo khóa học nghiên cứu văn hóa nước ngoài trong ba tháng, nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường ngoài nước.
Dù thôn Đinh Lâu đang trên đà phát triển rực rỡ, Nhậm Khánh Sinh cũng không quên một nhóm người đã hết khả năng lao động trong thôn, hiện nay họ nhận được phụ cấp từ dân làng và sống cuộc sống không cần phải lo nghĩ.
Mạng Internet chỉ mở ra cánh cửa hy vọng cho những ai làm việc chăm chỉ, để tiến bước xa hơn trên con đường này vẫn cần thêm những nhà lãnh đạo như Nhậm Khánh Sinh, người không ngại gian khổ, dũng cảm đổi mới để dẫn dắt mọi người đến sự thịnh vượng chung.
Mục tiêu tiếp theo của Nhậm Khánh Sinh là hướng dẫn mọi người cùng nâng cấp chất lượng các sản phẩm bán hàng hiện có và đưa ngành công nghiệp trang phục biểu diễn ra toàn quốc và thế giới.