Trước lùm xùm, Thành Bưởi đang tăng hiện diện tại 1 DN trên sàn: Từng quản lý “đất vàng” hơn 10.000m2 tại quận 10, vừa chuyển hướng làm giáo dục

Tri Túc | 11:49 13/11/2023

Mục đích phát hành của SSF nhằm trả nợ, trong giai đoạn khó khăn nhất đã vay của ông Lê Đức Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi) số tiền 9 tỷ.

Trước lùm xùm, Thành Bưởi đang tăng hiện diện tại 1 DN trên sàn: Từng quản lý “đất vàng” hơn 10.000m2 tại quận 10, vừa chuyển hướng làm giáo dục

Những lùm xùm xoay quanh nhà xe Thành Bưởi đang được quan tâm những ngày gần đây. Trước sự vụ này, được biết Thành Bưởi đang tăng hiện diện tại 1 DN trên sàn sau nhiều năm phát sinh giao dịch.

Đại diện Thành Bưởi tham gia làm cổ đông chiến lược với lượng mua lớn nhất

Cụ thể, trong đợt chào bán cổ phần của CTCP Giáo dục G Sài Gòn (UpCOM: SSF) sắp tới đây, ông Lê Dương (sinh năm 1991) sẽ tham gia nhiều nhất với khối lượng mua lên đến 2,8 triệu cổ phiếu. Ông Dương là 1 trong 3 cổ đông chiến lược cho đợt chào bán 6,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ phát hành 215%. 2 cá nhân còn lại Nguyễn Thành Sơn và Nguyễn Thị Mai mua 2 triệu cổ phiếu mỗi người.

Được biết, ông Dương là con trai thứ của nhà sáng lập Thành Bưởi là ông Lê Đức Thành. Hiện, ông Dương đồng thời là người đại diện theo pháp luật cho Chi nhánh công ty TNHH Thành Bưởi Sài Gòn, thuộc nhà xe Thành Bưởi.

Mặt khác, mục đích phát hành của SSF nhằm trả nợ. SSF cho biết trong giai đoạn khó khăn nhất đã vay của ông Lê Đức Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi) số tiền 9 tỷ, đang còn nợ 3 tỷ đồng. Theo đó, SSF cần khoản tài chính để thanh toán nợ cho ông Thành và một cá nhân khác với số tiền 20 tỷ đồng.

Ghi nhận, Thành Bưởi đã xuất hiện trên BCTC của Giày Sài Gòn (tiền thân của SSF) từ năm 2015 với vai trò là khách hàng. Cuối năm 2015, công ty này có khoản phải thu ngắn hạn tại Thành Bưởi là 323 triệu đồng.

Đến cuối năm 2022, khoản mục này ghi nhận mức 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Giày Sài Gòn còn có khoản phải trả hơn 2 tỷ đồng đối với ông Lê Đức Thành và hơn 1 tỷ đồng với công ty Thành Bưởi tại cuối năm 2022.

tb-2022-1.png
tb-2022.png

SSF trước khi đổi tên và chuyển sang làm giáo dục: Từng sở hữu “đất vàng” hơn 10.000m2 tại quận 10 nhưng liên tục thua lỗ

Về SSF, công ty có tiền thân là Nhà máy Giày Bata của Pháp được thành lập năm 1950. Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn năm 1994 và cổ phần hóa năm 2004. Cổ phiếu SSF chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán từ tháng 4/2010. Mới đây vào 7/7, Công ty lại đổi tên thành Giáo dục G Sài Gòn để phù hợp với chiến lược mới.

Bên cạnh trả nợ, mục đích phát hành sắp tới của SSF cũng nhằm bổ sung nguồn vốn làm thủ tục pháp lý xin tiếp tục thuê đất, giải ngân đầu tư hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học và kinh doanh giáo dục theo phương án xã hội hóa số tiền 48 tỷ đồng.

“Ngày 11/2, UBND TP HCM đã công bố điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với khu đất do SSF quản lý tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong có chức năng đất giáo dục (trường trung học cơ sở). Để đáp ứng mục tiêu được tiếp tục thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty cần nguồn tài chính để giải ngân cho quá trình cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị dạy học…”, báo cáo của SSF cho biết.

Cần nhấn mạnh, giáo dục cũng là một trong số những lĩnh vực trong hệ sinh thái Thành Bưởi hiện nay. Ngoài Công ty TNHH Thành Bưởi (sở hữu nhà xe Thành Bưởi), gia đình ông Thành đang đứng tên sở hữu vốn cổ phần cũng như làm đại diện, lãnh đạo cấp cao tại các công ty trong hệ sinh thái Thành Bưởi kể trên (gồm Công ty Thành Lê, Công ty TB Tech và CTCP Đầu tư Giáo dục & Đào tạo Sài Gòn).

Ông Lê Dương đang đứng tên và làm Giám đốc CTCP Đầu tư Giáo dục & Đào tạo Sài Gòn. Công ty này được thành lập tháng 1/2022, trụ sở tại quận 10, TP HCM, ngành nghề chính là hỗ trợ giáo dục.

Trở lại với SSF, về kinh doanh công ty chỉ có lãi đúng 3 năm đầu lên sàn, sau đó là chuỗi thua lỗ trong kinh doanh. SSF lỗ đỉnh điểm gần 28 tỷ đồng năm 2016 ngay sau khi SCIC thoái vốn.

Tính đến cuối năm 2019, SSF đang lỗ lũy kế hơn 70 tỷ đồng và làm âm vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng. 

ssf.png

Được biết, trước khi chuyển hướng sang giáo dục, hoạt động của SSF phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động cho thuê mặt bằng tại mảnh “đất vàng” hơn 10.000m2 tại trụ sở chính 419 Lê Hồng Phong, Quận 10, TP HCM.

Thậm chí, SSF còn lấy một phần đất nhà nước cho Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách, vi phạm quy hoạch sử dụng đất (đất công nghiệp sạch, không quy hoạch bến bãi vận tải) nên Quận 10 đã có văn bản yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép (năm 2016).

Như vậy, việc tham gia mua cổ phần tại SSF của Thành Bưởi không chỉ liên quan đến việc xử lý các giao dịch, nợ nần trong quá khứ; mà còn có thể là bước đi sâu hơn của doanh nghiệp trong mảng giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trước lùm xùm, Thành Bưởi đang tăng hiện diện tại 1 DN trên sàn: Từng quản lý “đất vàng” hơn 10.000m2 tại quận 10, vừa chuyển hướng làm giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO