Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua hạt điều Việt Nam
Theo trang Baijiahao, hạt điều là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng phong phú, hương vị đặc trưng, được mệnh danh là “Vua hạt trái khô”. Tuy nhiên, phần lớn hạt điều được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đều nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu hạt điều nhân của nước này trong năm 2022 là 42.300 tấn, kim ngạch nhập khẩu là 2 tỷ USD; trong đó khoảng 37.500 tấn đến từ Việt Nam, chiếm gần 90%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu hạt điều nhân của Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ đạt 2.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,4 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9 năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất mua hạt điều Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 73,2 triệu USD, tăng 107,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 42,3%, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường này lên tới 433,8 triệu USD, chỉ xếp sau Mỹ.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam Trần Hữu Hậu cho biết, nguyên nhân xuất khẩu điều tăng cao không có gì bất thường, bởi Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam.
“Tăng là do những năm trước đây ảnh hưởng bởi COVID-19, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID nên hạt điều của Việt Nam không xuất khẩu sang được. Bước sang năm nay, khi Trung Quốc trở lại trạng thái bình thường, nên xuất khẩu cũng tăng trở lại”, ông Hậu nói.
Ông Hậu cũng cho biết thêm: “Các món ăn của Trung Quốc rất hợp với các loại hạt và họ sử dụng rất nhiều. Trước đây người dân Trung Quốc hay sử dụng các loại hạt như hạnh nhân, óc chó... nhưng giá các loại hạt này cao hơn nhiều so với hạt điều. Chính vì thế, dần dần hạt điều đã trở thành phổ biến và tăng lượng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc để đưa vào các món ăn.”
Trung Quốc không thể tự trồng và chế biến hạt điều?
Theo Baijiahao, trên thực tế, Trung Quốc cũng có lịch sử và điều kiện trồng điều. Nước này bắt đầu trồng điều sớm nhất từ những năm 1950. Hiện nay, Trung Quốc đã có những nông trại trồng điều với quy mô nhất định, chủ yếu tập trung ở Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành điều Trung Quốc phát triển chưa đạt yêu cầu.
Một mặt, diện tích và sản lượng trồng điều của nước này còn rất hạn chế. Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), diện tích trồng điều của Trung Quốc năm 2019 chỉ đạt 67.000 ha. Trong khi đó, diện tích trồng điều của Việt Nam là 487.000 ha và sản lượng là 485.000 tấn.
Theo Baijiahao, nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc có nguồn tài nguyên đất đai thích hợp cho hoạt động trồng điều khá hạn chế, lại bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, sâu bệnh và các yếu tố khác nên năng suất không ổn định.
Mặt khác, trình độ và công nghệ chế biến hạt điều của Trung Quốc còn rất lạc hậu. Do thiếu trang thiết bị và nhân lực chuyên nghiệp nên nước này hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp bóc vỏ thủ công truyền thống để chế biến hạt điều. Cách làm này không chỉ không hiệu quả và tốn kém, mà còn có thể dễ dàng dẫn đến tiêu hao sản phẩm và suy giảm chất lượng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, chiếm gần 60% tổng lượng xuất khẩu hạt điều toàn cầu. Sự phát triển của ngành điều Việt Nam được hưởng lợi từ điều kiện tự nhiên đặc biệt, công nghệ chế biến tiên tiến và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh.
Việt Nam không chỉ tự trồng hạt điều mà còn nhập khẩu một lượng lớn hạt điều thô từ Châu Phi, Ấn Độ và các nơi khác để chế biến rồi xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam đã đạt trình độ hàng đầu thế giới, đảm bảo năng suất cao, chất lượng cao và hiệu quả cao.
Trang Baijiahao ước tính, tỷ lệ nhân thu hồi của cây điều Trung Quốc chỉ đạt khoảng 10%, trong khi tỷ lệ nhân thu hồi của cây điều Việt Nam đã đạt hơn 25%.
Tóm lại, trang Baijiahao nhận định, do diện tích trồng điều nhỏ, năng suất thấp, công nghệ chế biến lạc hậu nên Trung Quốc đang ở thế yếu trên thị trường điều toàn cầu và không thể cạnh tranh với các nước sản xuất điều hàng đầu thế giới như Việt Nam. Vì vậy, ngay cả trên thị trường hạt điều có giá trị cao như vậy, Trung Quốc vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho riêng mình.