Là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng địa vị này của đất nước tỷ dân đã có phần lung lay kể từ khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc về rủi ro địa chính trị.
Vào thời điểm đó, vài nhà đầu tư đã quyết định chuyển một số trang thiết bị sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đến khi dịch Covid thực sự bùng nổ cùng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt mới thúc đẩy động thái “khăn gói ra đi” và tìm chuỗi cung ứng khác của các nhà đầu tư.
Ashutosh Sharma, giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester cho rằng: “Nếu chỉ có những căng thẳng địa chính trị thì không đến mức các nhà đầu tư đi tìm chuỗi cung ứng thay thế nhưng thêm cả dịch bệnh COVID thì câu chuyện đã khác”.
Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông cũng không hủy bỏ mức áp đặt biểu thuế cao ngất ngưởng mà ông Trump đã thực thi với Trung Quốc. Thậm chí, ông Joe Biden còn công bố thêm các quy định để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip được sản xuất với thành phần từ Mỹ.
Vì vậy, để không ảnh hưởng quá nhiều từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như bị hạn chế do dịch bệnh, các công ty đa quốc gia đã tìm cách “dịch chuyển” từ Trung Quốc sang các nước tiềm năng khác.
Dưới đây là năm quốc gia trở thành chuỗi cung ứng thay thế:
1. Ấn Độ
Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.
Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời, đặc biệt là sự hậu thuẫn nhiệt tình từ chính phủ cho ngành công nghiệp và xuất khẩu.
Quốc gia này đang cố gắng vượt Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng có giá trị cao. Apple, nhà sản xuất iPhone cùng nhiều nhà sản xuất chip cũng đang để mắt đến những khu vực rộng lớn và dân số trẻ của Ấn Độ. Quốc gia này đang là sự lựa chọn tiềm năng để trở thành công xưởng mới của thế giới.
Hiện tại, gã khổng lồ công nghệ Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone của mình sang các bang Tamil Nadu và Karnataka của quốc gia này. Đồng thời tập đoàn cũng có ý định sẽ chuyển hoạt động sản xuất iPad sang cùng.
Các nhà phân tích của JPMorgan kỳ vọng Apple sẽ chuyển 5% số lượng iPhone 14 sản xuất sang Ấn Độ vào cuối năm 2022. Họ dự đoán rằng 1/4 số lượng iPhone toàn cầu sẽ được sản xuất tại quốc gia này vào năm 2025.
Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã và đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014. Theo dữ liệu của chính phủ, ông đã đưa FDI lên mức kỷ lục 83,6 tỷ USD trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, mặc dù chính phủ luôn tăng cường thu hút đầu tư quốc tế, nhưng hoạt động kinh doanh ở quốc gia này vẫn khó khăn hơn Trung Quốc. Nguyên nhân là do các đề xuất phải xét duyệt thông qua nhiều bộ phận, cấp bậc khiến việc thực hiện mất quá nhiều thời gian.
2. Việt Nam
Từ năm 1986, Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu nhất định.
Trong một bài đăng vào tháng trước, ngân hàng thế giới (WB) nói rằng, từ một quốc gia khó khăn, Việt Nam đã gia nhập nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình và phấn đấu đạt thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam đã thu hút hơn 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao hơn 9% so với một năm trước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Khoảng 60% vốn đầu tư dành cho lĩnh vực sản xuất và chế biến
Thế mạnh chính của Việt Nam là sản xuất hàng may mặc, giày dép, điện tử và thiết bị điện. Ngoài Ấn Độ, Apple cũng đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn cũng đang lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang cùng.
Nike, Adidas và Samsung cũng đã tiếp bước và coi Việt Nam là một bến đỗ tiềm năng mới.
3. Thái Lan
FDI của Thái Lan đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020-2021 khi nhiều nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô, phương tiện và các thiết bị điện tử. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Sony hay Sharp cũng có nhiều cơ sở tại quốc gia này.
Sony từng đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Bắc Kinh vào năm 2019 để cắt giảm chi phí và chuyển một số hoạt động sản xuất sang Thái Lan. Cùng năm đó, Sharp cũng nói rằng tập đoàn đã chuyển một số hoạt động sản xuất máy in sang Thái Lan.
Không chỉ có các công ty quốc tế, ngay cả các công ty nội địa Trung cũng có động thái chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang quốc gia Đông Nam Á này.
Ví dụ công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời JinkoSolar có trụ sở tại Thượng Hải đã chuyển dây chuyền sản xuất của mình sang Thái để tận dụng chi phí thấp và tránh căng thẳng địa chính trị, theo thông tin từ South China Morning Post vào tháng 7 năm 2022.
Thái Lan đã thu hút được 13,1 triệu USD vốn FDI (tăng gấp ba lần) chỉ trong hai năm 2020-2021, theo cục đầu tư Thái Lan.
4. Bangladesh
Hiện nay, Bangladesh trở thành miếng bánh lớn đối với các nhà đầu tư. Ngay cả trước khi lệnh phong tỏa COVID-19 khiến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt, Bangladesh đã là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc. Theo thống kê, quốc gia này là nơi xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Sự phát triển ngày càng mạnh của Bangladesh là vì chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao. Lương tháng trung bình của một công nhân Bangladesh là 120 USD, trong khi đó ở Quảng Châu, Trung Quốc là 670 USD.
Hơn nữa, chi phí nguyên liệu tăng cũng thúc đẩy các công ty may mặc tìm kiếm các điểm đến thay thế như Bangladesh - nơi giá sản xuất tương đối thấp, Mostafiz Uddin - ông chủ của nhà sản xuất quần áo cho biết.
Không chỉ ở lĩnh vực may mặc, Bangladesh cũng đang nỗ lực thu hút thêm đầu tư vào các lĩnh vực khác như dược phẩm hay chế biến nông sản.
5. Malaysia
Malaysia đã chú ý và chờ đợi động thái “dịch chuyển” khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư trong nhiều năm. Theo cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA), vào tháng 7 năm 2020, ít nhất 32 dự án đã thành công chuyển từ Trung Quốc sang quốc gia này.
Tuy nhiên, ngay cả trước đại dịch, Malaysia cũng đã thu hút nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ do chi phí lao động thấp. Các thỏa thuận lớn trong vài năm qua phải kể đến khoản đầu tư 339 triệu USD từ hãng sản xuất chip Micron Technology của Mỹ. Hay Jabil, một công ty Mỹ chuyên sản xuất vỏ iPhone cũng đã mở rộng hoạt động tại Malaysia.
Tham khảo: BI