Trung Quốc mở cửa tác động ra sao tới chứng khoán Việt Nam?

Bảo Châu | 17:22 20/12/2022

Tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bristol đã đưa ra những đánh giá về mức ảnh hưởng của sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế tới kinh tế cũng như chứng khoán Việt Nam.

Trung Quốc mở cửa tác động ra sao tới chứng khoán Việt Nam?

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tàu của thế giới, vì vậy, việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những tác động sẽ chưa đến ngay như kỳ vọng mà sẽ phụ thuộc vào các chính sách của Trung Quốc sau giai đoạn Zero-Covid, cũng như dự kiến phải đến giữa năm 2023 thì những tác động tích cực sẽ rõ nét hơn.

Tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bristol đã đưa ra những đánh giá về mức ảnh hưởng của sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế tới kinh tế cũng như chứng khoán Việt Nam.

BTV Mùi Khánh Ly: Trung Quốc đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế trở lại với những động thái mạnh mẽ bước đầu, liệu tiến trình này có diễn ra nhanh?

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bristol, Anh

Trước tiên, chúng ta đã thấy thị trường ở Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh trong thời gian vừa qua, tức là kỳ vọng của thị trường vào việc mở cửa sẽ diễn ra sớm. Và tôi có nói chuyện với những bạn đang ở Hongkong, Trung Quốc, mọi người cũng đang rất kỳ vọng năm sau Trung Quốc sẽ tiến dần đến mở cửa từng bước và đến sau Tết sẽ diễn ra nhanh hơn. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý, khi mở cửa lại hiện nay thì số ca nhiễm Covid ở Trung Quốc tăng mạnh, khi có nhiều ca nhiễm mới sẽ dẫn đến hệ thống y tế có thể quá tải, lúc này chính quyền sẽ phải cân đối giữa hai vấn đề là mở cửa và người bệnh tăng đông lên. Quá trình mở cửa, chúng ta cũng thấy ở Việt Nam cũng diễn ra rồi và phải thử và cân bằng ở mức độ như thế nào. Tuy nhiên, có một động thái lạc quan cho thị trường, đó là việc Trung Quốc đẩy mạnh mục tiêu tiêm vaccine cho người già.

Việc Trung Quốc mở cửa dần nền kinh tế được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế nước này nhanh chóng tăng trưởng trở lại và tác động tích cực đến kinh tế thế giới?

Có rất nhiều động thái của Chính phủ Trung Quốc, từ việc là tăng hỗ trợ tín dụng, những chính sách hỗ trợ cho bất động sản, hỗ trợ chung cho sản xuất và đặc biệt là phát hành lượng lớn trái phiếu mới để tăng xây dựng, đầu tư hạ tầng. Như vậy, rõ ràng là Trung Quốc đang hướng tới thúc đẩy kinh tế và điều này nó phản ánh ngay vào trong một số giá hàng hóa. Ví dụ như giá kim loại đồng chẳng hạn, tăng mạnh. Và nếu tăng trưởng ở Trung Quốc được đẩy lên thì sẽ tác động tích cực đối với kinh tế toàn cầu.

Nhưng cũng có ý kiến dù kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì kinh tế thế giới vẫn còn những thách thức ở phía trước. Ông đánh giá như nào về ý kiến này?

Đương nhiên cũng có những rủi ro, nếu như giá của một số hàng hóa, ví dụ như dầu thô do việc mở cửa của Trung Quốc quá nhanh mà bị đẩy lên sẽ có tác động phức tạp đối với việc là kiểm soát lạm phát của các nước này, đặc biệt là Mỹ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đánh giá, nếu kinh tế Trung Quốc mở cửa quá nhanh sẽ dẫn đến tốc độ lạm phát của Trung Quốc bật lên, có thể kéo giá hàng hóa toàn cầu đi lên, tạo thành một vòng thứ hai nữa đối với lạm phát toàn cầu.

Nhưng cá nhân tôi nhận định khả năng này thấp, bởi Trung Quốc đã có kinh nghiệm từ các nước đi trước và sẽ thận trọng hơn. Vì vậy có thể tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc nếu quá trình mở cửa diễn ra có một hoặc hai quý tăng trưởng đột phá mạnh lên, nhưng sau đó chính quyền có thể sẽ có những biện pháp để hạ nhiệt thị trường. Và do đó, tôi kỳ vọng không có xảy ra lạm phát cao như đợt mở cửa trước đây của các nước.

Chúng ta thấy vừa qua ở các nước mở cửa nhưng người nắm chuỗi cung ứng lớn ở Trung Quốc không mở cửa, nên đã góp phần vào việc thúc đẩy giá của nhiều thứ tăng lên. Cú sốc thứ hai là cú sốc đối với xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến giá dầu tăng lên, hai cú sốc đó trong lần mở cửa này của Trung Quốc không có. Do đó, tôi đánh giá lo ngại việc lạm phát toàn cầu vọt lên là không quá cao. Có nghĩa là lạm phát vẫn đi xuống nhưng sẽ xuống chậm và ở phía Trung Quốc có thể sẽ gặp phải lạm phát cao hơn để đánh đổi lại là họ phải có tăng trưởng cao.

Kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại?

Có một sự kỳ vọng của thị trường là khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì vật liệu xây dựng hoặc kim loại liên quan nó sẽ tăng giá. Nhưng nên lưu ý là hàng tồn kho cao. Và như vậy thì Trung Quốc mở cửa lại không giúp cho nhu cầu tăng lên ngay lập tức, mà sẽ mất một khoảng thời gian. Họ sẽ phải giải quyết hàng tồn kho đang có rồi mới đặt đơn hàng mới. Một số đề người kỳ vọng tác động tích cực sẽ diễn ra trong vòng một, hai tháng ngay sau khi Trung Quốc mở cửa là quá sớm. Nếu kỳ vọng sáu tháng trở đi có thể là rõ hơn.

Còn về mức độ khôi phục các hoạt động sản xuất, cung hàng của các nguyên vật liệu, thì đây là một ẩn số, vì phải xem tốc độ kinh tế Trung Quốc mở cửa như thế nào, và chính sách của Chính phủ Trung Quốc ra sao bởi vì không chỉ là vấn đề kinh tế, nó nằm chủ yếu là xu thế chính trị, chính sách điều chỉnh lối sống mới của người dân Trung Quốc như thế nào để kết luận.

Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao với bối cảnh kinh tế hiện nay?

Nếu chúng ta nhìn vào thị trường quốc tế thì thấy nó đã phản ánh một phần lớn kỳ vọng mở cửa kinh tế của Trung Quốc rồi. Còn nếu nhìn về vĩ mô rộng hơn, JPMorgan dự báo chung cho khu vực Asean chứ không chỉ cho Việt là sẽ có những khó khăn nhất định của suy thoái toàn cầu trong hai quý đầu năm 2023. Và họ hình dung câu chuyện của cổ phiếu Asean có thể diễn ra là một cái cú nhảy bungee. Tức là thị trường sẽ giảm rất sâu và sau đó sẽ bật lên rất là mạnh. Ví dụ, ban đầu những khó khăn được phản ánh sẽ khiến cổ phiếu khu vực Châu Á giảm sâu, nhưng sau đó vài tháng, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh và giá cổ phiếu của khu vực châu Á sẽ bật lại nhanh hơn, đó là góc nhìn chung của JPMorgan cho toàn khu vực châu Á.

Nếu nhìn về Việt Nam lại khác. Việt Nam chúng ta nhiều tháng vừa qua bị ảnh hưởng không phải là vì về vấn đề Trung Quốc mở cửa kinh tế hay vấn đề chung của thế giới mà chúng ta ảnh hưởng bởi phía chính sách đối với thị trường bất động sản, đối với thanh khoản của thị trường. Hiện nay, những yếu tố đó, các tháng cuối năm đang giãn ra và sẽ tạo ra động lực trong ngắn hạn cho thị trường. Nhưng nếu nhìn ba tháng hoặc sáu tháng sắp tới thì sự bất định về chính sách vẫn ở đó, vẫn đang trong quá trình tháo gỡ.

Vậy những nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại?

Kinh tế Trung Quốc mở cửa chắc chắn tác động đến lợi ích của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Và như vậy sẽ có tác động đến nhóm các cổ phiếu liên quan đến bất động sản khu công nghiệp hoặc có thể liên quan đến những doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI đang niêm yết. Nếu như giải ngân đầu tư công tốt hơn thì những doanh nghiệp liên quan tới hạ tầng của nền kinh tế nó sẽ hưởng lợi.

Yếu tố thứ hai nữa là chúng ta đã có một giai đoạn khó khăn trong năm sau 2023, nhưng kỳ vọng là từ 2024 trở đi kinh tế thế giới sẽ hồi phục tốt. Vì vậy những nhóm ngành về hàng tiêu dùng ở Việt Nam, nếu làm tốt sẽ tận dụng được giai đoạn này để thâu tóm hoặc tiến hành tái cấu trúc, và sẽ được hưởng lợi rất lớn từ 2024 trở đi.

Và cuối cùng thì về vấn đề hàng tồn kho của một số hàng sản xuất xây dựng, ví dụ như thép vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, hàng tồn kho sau một giai đoạn giảm mạnh thì sẽ đến lúc bật trở lại. Nếu nhìn vào dài hạn thì đây là một giai đoạn tốt để mua những cổ phiếu đó và nắm giữ dài hạn.


(0) Bình luận
Trung Quốc mở cửa tác động ra sao tới chứng khoán Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO