Trung Quốc: “Bom” nợ xấu hình thành khi người mua nhà từ chối trả nợ ngân hàng
Lê Sáng (T/h)|09:16 16/07/2022
Theo hãng thông tấn Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc hiện ghi nhận 2,11 tỷ nhân dân tệ, tương đương 312 triệu USD nợ quá hạn do người mua từ chối thanh toán với nhà chưa hoàn thiện.
Nguy cơ châm ngòi “bom nợ xấu”
Theo đó, ngày 14/7, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, tổng cộng, 12 nhà băng đã công bố số liệu nợ cho vay mua nhà quá hạn, với 2,11 tỷ nhân dân tệ , tương đương 312 triệu USD (khoảng gần 7.500 tỷ VNĐ). Tuy nhiên, Ở hầu hết ngân hàng, thông tin trên cũng cho biết, số nợ quá hạn chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ cho vay mua nhà.
Số dự án mà người mua nhà ngừng trả nợ vay ngân hàng tại Trung Quốc tăng mạnh chỉ trong vài ngày. Việc này đang làm dấy lên rủi ro lan truyền sang hệ thống tài chính, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản vẫn đang chịu sức ép vài năm qua và tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ì ạch. Tin tức này cũng xuất hiện trong thời điểm giới chức Trung Quốc coi ổn định xã hội là ưu tiên hàng đầu trước thềm Đại hội Đảng năm nay.
Tổng nợ xấu có thể còn thay đổi nếu nhiều ngân hàng công bố số liệu hơn nữa. Công ty chứng khoán GF dự báo khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ nợ vay mua nhà có thể chịu tác động từ đợt tẩy chay trả nợ này.
Trước khi thông tin trên được công bố, thị trường tài chính dường như đã có những chỉ báo trước khi cổ phiếu các ngân hàng Trung Quốc đã có diễn biến tệ hơn so với thị trường chung trong tuần này. Chỉ số theo dõi nhóm ngân hàng - CSI 300 Banks giảm 5,4%, trong khi CSI 300 chỉ mất 2,4%.
Một năm qua, các hãng bất động sản nặng nợ của Trung Quốc quay cuồng trong khủng hoảng nợ. Điều này khiến việc xây dựng bị đình trệ, ngày càng nhiều dự án chậm tiến độ. Giá trị bất động sản cũng lao dốc, phần nào châm ngòi cho làn sóng tẩy chay trả nợ của người mua nhà.
Chính quyền họp khẩn tìm đối sách
Cũng theo nguồn tin từ Bloomberg, ngay sau khi có thông tin người mua nhà dừng trả nợ vay ngân hàng thì giới chức Bắc Kinh, cụ thể là Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Nông thôn Trung Quốc đã nhanh chóng gặp các cơ quan quản lý tài chính cùng nhiều ngân hàng lớn của nước này để thảo luận về vấn đề người mua nhà từ chối trả nợ. Theo đó, giới chức Trung Quốc đang lo ngại thêm nhiều người vay mua nhà có hành động tương tự.
Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc thậm chí đã yêu cầu các cơ quan giám sát địa phương và ngân hàng báo cáo tác động và liệt kê các dự án bất động sản bị ảnh hưởng trong khu vực quản lý của họ. Một số ngân hàng đã có kế hoạch thắt chặt tiêu chí cho vay tại các thành phố có rủi ro cao.
Tin tức về việc người mua nhà từ chối trả nợ ngân hàng đang lan nhanh những ngày gần đây, khiến cổ phiếu một số nhà băng Trung Quốc lao dốc và doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng. Điều này cũng gây lo ngại cuộc khủng hoảng bất động sản lan sang hệ thống tài chính và gây bất ổn xã hội.
Các ngân hàng vốn đã gặp rắc rối khi các hãng địa ốc thiếu thanh khoản, thì nay lại bị khách hàng từ chối trả nợ.
Trong khi đó, theo số liệu của China Real Estate Information, người mua nhà đã ngừng thanh toán các khoản vay tại ít nhất 100 dự án ở hơn 50 thành phố từ hôm 13/7. Như vậy, nếu so sánh với dữ liệu của Jefferies Financial Group, con số này tăng nhanh chóng so với chỉ 28 dự án ngày 11/7 và 58 dự án ngày 12/7.
Cụ thể, thông tin từ Jefferies Financial Group cho biết hiện chưa rõ số lượng người mua nhà không trả nợ, nhưng dư nợ bị từ chối thanh toán chiếm khoảng 1% tổng số tiền cho vay lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc. Nếu người mua nhà vỡ nợ, họ sẽ tạo ra khoản nợ xấu 388 tỷ nhân dân tệ, tương đương 58 tỷ USD.
Theo chuyên gia phân tích Shujin Chen, chuyên viên phân tích tại Jefferies Financial Group, giới chức Trung Quốc đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Việc nới lỏng các quy định cho vay để tạo điều kiện mua nhà trong lúc chờ dự án hoàn thành có thể tạo cơ hội cho nhiều hành vi vi phạm hơn. Mặt khác, ổn định xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
“Vụ việc này sẽ hủy hoại niềm tin của người mua nhà, nhất là với các sản phẩm hình thành trong tương lai do các nhà phát triển bất động sản tư nhân cung cấp”, chuyên gia Shujin Chen nhận định.
Rủi ro đến từ việc bán bất động sản hình thành trong tương lai
Bày tỏ quan điểm về tình trạng hình thành nợ xấu do người mua nhà từ chối trả nợ vay ngân hàng tại Trung Quốc, các chuyên viên phân tích tại Nomura Holdings, một công ty cổ phần tài chính và là thành viên chính của Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) cho biết việc từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp đến từ thông lệ tại Trung Quốc là bán nhà trước khi xây (bán bất động sản hình thành trong tương lai). Theo đó, người mua đang dần mất niềm tin vào khả năng hoàn thành dự án khi các nhà phát triển bất động sản đang rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Cũng theo Nomura Holdings, ngay cả trước cuộc khủng hoảng, các nhà phát triển bất động sản chỉ giao khoảng 60% căn nhà mà họ đã bán trước trong giai đoạn 2013-2020. Trong khi đó, tổng khoản cho vay thế chấp tăng thêm 26.3 ngàn tỷ Nhân dân tệ trong giai đoạn này, các chuyên viên phân tích tại Nomura cho biết.
Nomura Holdings cho biết việc từ chối thanh toán các khoản vay bắt nguồn từ thực tế bất động sản ở Trung Quốc thường được bán trước khi chúng xây xong. Tuy nhiên, niềm tin về khả năng hoàn thành các dự án đang yếu đi khi mối lo về nguồn tiền của chủ đầu tư ngày càng tăng.
"Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tác động tài chính từ phong trào ngừng trả nợ vay mua nhà. Sự xuống cấp trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tài chính trong nước", các chuyến gia kinh tế của Nomura đánh giá.
Khủng hoảng bất động sản leo thang
Trước việc nhiều người mua nhà đã từ chối trả tiền vay ngân hàng khi chủ đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành các dự án bất động sản.
Theo báo cáo vừa công bố của Citigroup do chuyên gia phân tích Griffin Chan chịu trách nhiệm, khách mua của 35 dự án tại 22 thành phố ở Trung Quốc đã quyết định dừng thanh toán các khoản vay từ ngày 12/7. Nguồn cơn của quyết định này do tiến độ chậm trễ của các dự án và giá bất động sản tại Trung Quốc đang giảm mạnh.
"Hiện tại là thời điểm then chốt để ổn định xã hội", Chan nhận định và nói thêm rằng việc không thanh toán các khoản vay có thể mang lại bất ổn cho xã hội.
Citigroup cho biết giá bán của các dự án bất động sản năm 2022 ở Trung Quốc thấp hơn trung bình khoảng 15% so với 3 năm qua. Theo chuyên gia Griffin Chan, các khoản nợ xấu từ việc từ chối trả tiền vay mua bất động sản có thể lên tới 561 tỷ nhân dân tệ (83 tỷ USD). Con số này chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại Trung Quốc.
Theo đó, tác động tổng thể với ngành ngân hàng có thể vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tâm lý nhà đầu tư của các tổ chức cho vay bất động sản nhiều như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC), Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện (PSBC), Ngân hàng Công thương (ICBC) sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, giá cổ phiếu PSBC chiều 13/7 đã mất hơn 3,3%, còn cổ phiếu ICBC cũng giảm 2%. Chỉ số ngân hàng CSI 300 mất 2,4% - mức giảm mạnh nhất từ 25/4.
Với các ngân hàng Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu của các khoản vay bất động sản thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, theo cơ quan quản lý ngân hàng nước này. Tại CCBC, tỷ lệ nợ xấu với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm ngoái chỉ chiếm 0,2%.
Bình luận về những diễn biến trên thị trường bất động sản Trung Quốc, hãng thông tấn Bloomberg đánh giá đây là những động thái đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc và gây rủi ro nợ xấu với các tổ chức tín dụng. Nó cũng cho thấy rõ hơn cơn bão với thị trường nhà đất Trung Quốc ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu và đe doạ sự ổn định xã hội thế nào.
“Các ngân hàng Trung Quốc đã phải vật lộn với những thách thức từ sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư thì nay tiếp tục phải chuẩn bị với khả năng vỡ nợ của những người mua nhà”, hãng tin Bloomberg nhận định.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đánh giá báo in, báo điện tử phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10-15% là quá cao, cần giảm một nửa thuế suất hoặc đưa về 0% trong 5 năm.
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.