Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”; trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các Ngân hàng thương mại; ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, từ nay đến hết 30/6/2024, các khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Tính đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng, lên đến 15.000 tỷ đồng.
Bao gồm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Chia sẻ với MarketTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, đây là gói tín dụng hết sức cần thiết trong bối cảnh dòng vốn đang khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất lâm, thuỷ sản nói riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là thời hạn vay như thế nào, lãi suất bao nhiêu và điều kiện vay ra sao?
“Với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1-2%, mặc dù chưa phải là thấp, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này đang gặp nhiều khó khăn ít nhiều cũng là giải pháp tốt”, TS. Hiếu nói.
Hiện doanh nghiệp ngành lâm, thuỷ sản đang gặp phải 2 khó khăn chính: Thứ nhất là dòng vốn cho vay đang bị siết lại do ngân hàng lo ngại thị trường chưa ấm lên sẽ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ từ đó tổng cầu giảm, nhu cầu về thuỷ hải sản giảm, nên các doanh nghiệp cũng giảm sút đơnn hàng.
TS. Hiếu cho rằng, việc đưa dòng tiền vào ngành này cho họ tháo gỡ khó khăn cũng quan trọng, nhưng đầu ra cho sản phẩm quan trọng không kém. Bởi vì bơm vốn vào, hỗ trợ họ sản xuất, nhưng lại chưa gỡ được đầu ra do nhu cầu thị trường suy giảm thì lại dẫn vòng “luẩn quẩn”, hàng không bán được, nợ nần nhiều. “Vì vậy tôi nghĩ rằng cần giải quyết khâu thị trường”, TS. Hiếu cho hay.
Nhận định chung về gói tín dụng này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ nay tới cuối năm gói tín dụng cho ngành lâm, thuỷ sản tín hiệu tích cực không những cho doanh nghiệp xuất khẩu mà cả cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thị trường trong nước.
“Nguồn vốn tín dụng 15.000 tỷ đồng được 12 ngân hàng cam kết, mặc dù chưa phải là lớn cho cả ngành, mà có thể phải là 100.000 tỷ đồng, nhưng cũng là cửa sáng cho các doanh nghiệp và tôi tin từ nay đến cuối năm ngành này sẽ có khởi sắc nhất định”, TS. Hiếu nhận định.