Dự án cầu Đại Ngãi là một trong những công trình giao thông trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy nhanh tiến độ thi công với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Tuyến cầu có tổng chiều dài hơn 15km, điểm đầu kết nối với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), điểm cuối kết nối với Quốc lộ Nam Sông Hậu tại huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng).
Công trình gồm hai cầu chính. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài hơn 3km, kết cấu dây văng, bắc qua luồng Định An, một nhánh sông Hậu có vai trò quan trọng trong vận tải thủy. Cầu sở hữu hai trụ tháp hình chữ A cao 110m, với sơ đồ nhịp chính 210+450+210m.
Cầu Đại Ngãi 2 có chiều dài 862m, gồm 13 nhịp, trong đó có nhịp chính dài 330m được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng kỹ thuật phổ biến trong xây cầu vượt sông có độ cao lớn và độ tĩnh không lớn.
Là một phần trong Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Dự án này gồm 2 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 11-XL (thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 2 và phần tuyến) được khởi công xây dựng từ tháng 10/2023 và gói thầu số 15-XL (cầu Đại Ngãi 1) đã được triển khai xây dựng từ tháng 12/2024.
Cầu Đại Ngãi 2 có điểm đầu nối với Quốc lộ Nam Sông Hậu (huyện Long Phú), vượt cửa Trần Đề (sông Hậu) nối liền huyện Cù Lao Dung với đất liền. Cây cầu giúp phá thế cô lập của huyện đảo Cù Lao Dung, đáp ứng mong mỏi của nhân dân huyện đảo bao đời nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung.
Chia sẻ với báo Sóc Trăng, Ban Quản lý Dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư) cho biết, đây là một trong hai hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu.
Các nhà thầu đã huy động 253 nhân sự, 91 máy móc thiết bị và triển khai 19 mũi thi công. Đến ngày hợp long, công trình đã đạt hơn 70%, vượt tiến độ 6 tháng, cố gắng hoàn thành vào tháng 4/2025.
Theo đó, dự án cầu Đại Ngãi không chỉ thay thế hệ thống phà cùng tên mà còn có vai trò chiến lược trong việc kết nối giao thông liên vùng giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cây cầu vượt qua sông Hậu tại vị trí gần cửa biển Trần Đề, góp phần nối liền huyện đảo Cù Lao Dung với đất liền, phá thế cô lập cho địa phương này – một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch hạ tầng khu vực.
Với tiến độ khả quan, cầu Đại Ngãi 2 đã chính thức hợp long vào ngày 5/1/2025, sớm hơn kế hoạch tới 6 tháng. Dự kiến đến ngày 30/4/2025, toàn bộ dự án sẽ được thông xe kỹ thuật. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi (gồm cả hai nhánh cầu) sẽ cùng với các cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên tạo thành mạng lưới giao thông chiến lược, hỗ trợ phát triển vận tải, thương mại và du lịch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, tuyến đường qua cầu sẽ rút ngắn khoảng 80km so với hành trình trên Quốc lộ 1 khi di chuyển từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến TP. HCM và ngược lại.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, công trình còn giúp xóa bỏ toàn bộ các bến phà vượt sông trên tuyến ven biển từ Cà Mau đến TP. HCM, qua đó hoàn thiện mạng lưới Quốc lộ 60, góp phần nâng cao năng lực vận tải toàn vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh ven biển phía Nam.
Cầu Đại Ngãi nằm trong quy hoạch trục dọc ven biển kết nối TPHCM với các tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các cảng biển và khu kinh tế ven biển. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ việc phát triển kinh tế, thực hiện thành công chiến lược biển mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.