Tờ Nikkei Asian Review cho hay hàng loạt nhà cung ứng của các hãng công nghệ hàng đầu Mỹ như Nvidia, Apple, Google đang phải đối mặt với mức độ bất ổn cao hơn so với thời kỳ đại dịch COVID-19 trong bối cảnh chính sách thuế quan bất ổn, khiến những hãng cung ứng này chạy hết công suất "như thể không có ngày mai" (As if there is no tomorrow).
Theo Nikkei, những nhà máy cung ứng này, từ đơn vị sản xuất các linh kiện smartphone cho iPhone, PC cho Dell hay máy chủ AI cho Nvidia, đã buộc phải thay đổi 180 độ kế hoạch sản xuất, vận chuyển chỉ trong vài ngày.
Cụ thể, ngay sau khi những tuyên bố về thuế đối ứng được công bố, hàng loạt công ty như HP, Dell, Amazon và Microsoft đã yêu cầu các nhà cung cấp dừng phần lớn các lô hàng đến Mỹ.
Thế nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump tạm hoãn 90 ngày, kế hoạch này đã bị đảo ngược khi các tập đoàn lại yêu cầu chuỗi cung ứng từ Châu Á chạy hết công suất để tích trữ hàng trước thời hạn.

Thậm chí HP, Dell và Meta nói riêng đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị thêm linh kiện và lắp ráp thêm sản phẩm tại nhiều nước Đông Nam Á trong thời gian gia hạn 90 ngày để chuẩn bị cho những gián đoạn tiềm ẩn.
"Điều này còn tệ hơn những gì chúng tôi từng phải chịu đựng trong đại dịch, khi ít nhất chúng tôi biết tình hình sẽ như thế nào trong ngắn hạn và trung hạn. ... Mọi kế hoạch mà chúng tôi từng thống nhất với khách hàng thì giờ đây đều thành rác rưởi", một giám đốc điều hành (CEO) tại một nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng máy chủ cho biết.
"Đầu óc chúng tôi quay cuồng và thực sự khó để hoàn thiện bất cứ điều gì. Giống như làm việc trong phòng cấp cứu và cứ vài phút bạn lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác", một nhà quản lý từ một nhà cung cấp chính của Apple, Samsung và Google nói với Nikkei.
Một CEO của một nhà cung cấp cho các công ty bao gồm Apple, HP và Dell thì tiết lộ sản lượng hàng ngày của họ tại Thái Lan đã giảm tới 80% sau khi thuế đối ứng được công bố, thế nhưng khách hàng bất ngờ gọi điện chỉ 1 ngày sau đó, yêu cầu tăng sản lượng hết công suất.
90 ngày
Theo Nikkei, việc thuế đối ứng được tạm hoãn 90 ngày với phần lớn quốc gia chẳng đem lại quá nhiều niềm vui cho chuỗi cung ứng công nghệ khi các kế hoạch sản xuất bị đảo lộn.
Thông thường, các nhà máy sẽ phải lên kế hoạch tương lai ngắn và trung hạn với khách hàng để điều tiết năng suất cũng như lượng hàng tồn kho, dòng vốn nhập hàng...
Thế nhưng sự không chắc chắn cực độ này đang khiến ngành công nghệ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc thậm chí đưa ra triển vọng cho năm 2025.
Một CEO của một công ty lắp ráp iPhone cho biết dù sản xuất có tiếp tục hay không, trật tự thị trường toàn cầu đã bị phá vỡ nghiêm trọng.
"Không có triển vọng nào để dự báo. Chúng tôi sẽ phải phản ứng linh hoạt ‘như thể không có ngày mai’", vị giám đốc này nói.

Tương tự, một CEO tại một nhà cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất máy tính xách tay cho biết công ty hiện không có tầm nhìn triển vọng nào về tương lai, gây khó khăn trong việc hoạt động sản xuất. Thông thường khách hàng sẽ đưa ra dự báo cho họ trong ít nhất hai quý để công ty có sự chuẩn bị về nguồn cung ứng.
"Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều nói rằng toàn bộ đơn đặt hàng dự kiến từ tháng 5 đều sẽ bị hủy bỏ và các kế hoạch cần được xem xét lại", giám đốc điều hành cho biết.
Tệ hơn, ít nhất 6 giám đốc điều hành từ các nhà cung cấp linh kiện khác nhau, chẳng hạn như bảng mạch in, màn hình và bàn phím, đã nói với Nikkei Asia rằng họ đang xem xét lại kế hoạch kinh doanh của mình trong năm nay.
Nhiều khả năng những CEO này sẽ phải cắt giảm kế hoạch chi tiêu cho năm 2025 do tình hình kinh tế vĩ mô không chắc chắn.
"Mùa đông đang đến và chúng tôi cần dành nhiều tiền mặt hơn để vượt qua những khó khăn. Cắt giảm chi tiêu cho các khoản đầu tư lớn và mua sắm thiết bị là điều bắt buộc", một trong những giám đốc điều hành cho biết.
"Chúng tôi đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả chi phí đi lại và đã bắt đầu đóng băng việc tuyển dụng. Về cơ bản, nếu mức thuế quan này tiếp tục trong nhiều tháng thì năm 2025 sẽ kết thúc trong tồi tệ", một nhà cung cấp linh kiện phục vụ Apple, Microsoft và Google đồng quan điểm.
Tương tự, chủ tịch C.Y.Lu của Macronix International, một nhà cung cấp chip chính cho Nintendo, nhận định rằng toàn bộ ngành công nghiệp không có tầm nhìn rõ ràng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
"Khi phải đối mặt với sự bất ổn lớn như vậy, cách tiếp cận tốt nhất là dừng lại, lắng nghe và theo dõi. Cuối cùng, đây là vấn đề đàm phán giữa chính phủ với chính phủ và không có cách nào một doanh nhân nước ngoài có thể đột nhiên thay đổi mọi thứ", ông Lu thừa nhận.
Trong khi đó, giáo sư Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết cuộc chiến thuế quan sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất trở lại Mỹ "theo cách rất hạn chế" bởi các doanh nghiệp chỉ cam kết đầu tư như một giải pháp né thuế quan chứ không dựa trên những lợi thế cơ bản.

Chi phí sản xuất tại Mỹ vẫn đắt hơn nhiều nước, nguồn cung ứng về nguyên liệu, lao động, thiết bị không đủ do nhiều thập niên bỏ bê. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy tại Mỹ cũng không hề rẻ.
Trước đây vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, hãng gia công cho Apple là Foxconn đã công bố kế hoạch sản xuất màn hình TV tại Wisconsin với một cơ sở có 13.000 công nhân.
Thế nhưng khi đi vào thực tế, Foxconn đã cắt giảm đáng kể cam kết của mình xuống chỉ còn tạo ra khoảng 1.000 việc làm.
Giám đốc nghiên cứu Jeff Fieldhack Counterpoint Research cho biết chi phí sản xuất ở Mỹ "đắt hơn bốn đến năm lần" so với ở Trung Quốc, khiến Foxconn không thể làm đúng như cam kết.
"Hãy tưởng tượng nếu trong một trận đấu thể thao, luật lệ thay đổi cứ sau năm phút thì ai còn chơi được nữa? Tương tự, các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch khi có quá nhiều sự không chắc chắn, vì vậy trong ngắn hạn, tôi nghĩ rằng nhiều hãng sẽ hoãn các kế hoạch đầu tư cho đến khi tình hình rõ ràng hơn", giáo sư Shih cho hay.
*Nguồn: Nikkei