Thông tin trên được Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác giá năm 2021 diễn ra chiều ngày 30/12.
Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thẩm định giá
Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, tính đến ngày 29/11/2021, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 18 doanh nghiệp thẩm định giá, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 78 doanh nghiệp thẩm định giá.
Trong năm 2021 Cục cũng đã tiến hành đình chỉ 6 doanh nghiệp thẩm định giá và thu hồi 12 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá tiếp tục được tăng cường khi cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên.
Cùng với đó là liên tục có các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá...
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá chưa được cao. Cụ thể, đến đến nay Cục Quản lý giá mới kiểm tra được 62 đơn vị, chiếm tỷ lệ 41,6% doanh nghiệp được phê duyệt kiểm tra năm 2021.
Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp, đơn vị đã cơ bản nắm bắt và tổ chức triển khai, chấp hành quy định của pháp luật về giá trong đó có kê khai giá, niêm yết giá.
Các đơn vị đã thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ đúng mức kê khai và quy định cụ thể về việc thực hiện chính sách chiết khấu thương mại, giảm giá hàng hóa, chiết khấu thanh toán đúng mức đã kê khai.
Báo cáo về công tác điều hành, quản lý giá trong năm 2021, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng 1,81% so với tháng 12/2020. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
“Trong năm qua mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm…”, ông Đặng Công Khôi nhấn mạnh.
Sửa Luật giá để quản lý chặt hơn
Trong năm 2021, Cục Quản lý giá đã trình Bộ trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật giá (sửa đổi) với xây dựng nhiều chính sách mới.
Theo Cục Quản lý giá, Luật giá sẽ được sửa đổi theo hướng tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành giá, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương.
Luật cũng sẽ hoàn thiện các chính sách bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá; tôn trọng quy luật cung - cầu, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoàn thiện chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo hướng phân cấp cho Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ.
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, chính sách về bình ổn giá cần khắc phục được những hạn chế hiện nay, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Các chính sách về thẩm định giá nhà nước, quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá cần ngăn chặn, xử lý được tình trạng thông đồng trong thẩm định giá, quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí tài sản nhà nước trong thẩm định giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi…
Năm 2022, mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4%
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Để hoàn thành mục tiêu, trong năm 2022, Cục Quản lý giá sẽ chú trọng đến các giải pháp như: Tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và chính phủ đề ra; song song đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hướng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết.
Chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá....Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho rằng, năm 2022 công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, sự cạnh tranh của các nước lớn.
Do đó, Cục Quản lý giá cần phải nhạy bén, bản lĩnh và công tâm trong công tác quản lý, điều hành giá. Đánh giá kỹ các vấn đề nổi lên về giá, để chủ động có định hướng chính sách phù hợp.
Đề nghị tập trung sửa đổi Luật giá theo cơ chế thị trường, phân cấp phân quyền trong điều hành giá. Tăng cường sự quản lý nhà nước tập trung vào xây dựng cơ chế chính sách, kiểm tra, kiểm soát.
Đặc biệt là sớm đưa vào thực hiện các quy định quản lý giá có thông lệ quốc tế tốt. Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giá, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá...