Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, những vụ việc xảy ra vừa qua liên quan đến hoạt động thẩm định giá là điều đáng tiếc, tuy nhiên những sai phạm đó là cá biệt, không phải là đại diện cho ngành và không phổ biến.
MarketTimes: Thưa ông, được biết tại cuộc họp của Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam diễn ra ngày 11/12/2021, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã kiến nghị về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường minh bạch cho hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Cụ thể thì đó là những kiến nghị gì thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam đã phân tích và thảo luận kỹ hoạt động thẩm định giá vừa qua đi đến đánh giá: Về cơ bản hoạt động thẩm định giá tuân thủ pháp luật về thẩm định giá, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra nhưng những sai phạm đó là cá biệt, không phải là đại diện cho ngành và không phổ biến.
Đó là những sai phạm mà các cơ quan pháp luật đã kết luận một số thẩm định viên về giá đã có hành vi thông đồng, giúp sức... cho các hành vi vi phạm pháp luật của khách hàng thẩm định giá.
Nguyên nhân xảy ra các sai phạm có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng đáng quan tâm nhất là những vấn đề: Pháp lý về thẩm định giá và đạo đức hành nghề của thẩm định viên về giá.
Trước tình hình đó Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính:
Tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện gấp các quy định về thẩm định giá, trước hết là các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 1: Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá, Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 5: Quy trình thẩm định giá…
Thực hiện ngay việc tổng kết, đánh giá những sai phạm vừa qua của một số doanh nghiệp, thẩm định viên để tuyên truyền, tập huấn, rút kinh nghiệm cho toàn ngành nghề thẩm định giá. Gấp rút đề ra các giải pháp nâng cao tính tuân thủ pháp luật thẩm định giá, đạo đức nghề nghiệp cho các thẩm định viên về giá. Đồng thời có các kế hoạch cụ thể về mặt pháp lý bảo vệ ngành nghề một cách hợp pháp, kiểm soát các rủi ro, không hình sự hóa các vi phạm hành chính trong hoạt động thẩm định giá.
Tăng cường liều lượng giao lưu, trao đổi, tọa đàm với các cơ quan nội chính để có những đồng thuận trong đánh giá về hoạt động thẩm định giá. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông để được hỗ trợ tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin về hoạt động thẩm định giá giúp dư luận xã hội hiểu rõ hơn và có cách nhìn nhận, phương pháp đánh giá khách quan về việc cung ứng dịch vụ thẩm định giá.
MarketTimes: Theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP; “Đến hết ngày 15/12 của năm hành nghề, thẩm định viên về giá đã hành nghề từ 6 tháng trong năm trở lên không ký đủ 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm thì không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo”. Quy định này có ảnh hưởng đến hoạt động của các thẩm định viên về giá trong năm 2022 không thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Hội Thẩm định giá Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các thẩm định viên về quy định này sẽ làm khó cho các thẩm định viên trong năm 2022.
Năm 2021 do phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp thẩm định giá ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khoảng 5 đến 6 tháng, do đó nhiều thẩm định viên về giá không ký đủ 10 Chứng thư để đăng ký hành nghề năm 2022.
Do đó, Hội đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp nhận thực tế này và có giải pháp “đặc biệt” tạm nới lỏng quy định trên trong tình hình đặc biệt.
Mặt khác, Hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính nên chấp thuận và tính các Chứng thư thẩm định giá đất trong 10 Chứng thư đăng ký hành nghề, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tổ chức hoạt động thẩm định giá đất là chủ yếu.
MarketTimes: Vậy Bộ Tài chính đã có phản hồi như thế nào về những kiến nghị này khi mà mốc ngày 15/12 theo quy định đã đến thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam năm 2021 vừa qua Hội có mời Bộ Tài chính, mà trực tiếp quản lý Nhà nước về thẩm định giá là Cục Quản lý giá tham dự.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước đã tiếp nhận các kiến nghị của Hội và cho biết sẽ trình Bộ để xử lý các kiến nghị này.
Cụ thể là ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ đồng tình với kiến nghị tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá. Năm 2022, Cục Quản lý đã có kế hoạch xây dựng trình Bộ ban hành 3 Tiêu chuẩn thẩm định giá, trong đó sẽ ban hành 1 Tiêu chuẩn riêng về “Khảo sát thực tế, thu thập thông tin” trong thẩm định giá.
Cục Quản lý sẽ tiến hành đánh giá kỹ hơn, sâu hơn về những thành công và cả những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để phổ biến, tập huấn rút kinh nghiệm. Đồng thời có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động nghề để nâng cao tính độc lập, khách quan; đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ pháp luật về thẩm định giá. Có kế hoạch tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề về thẩm định giá với các cơ quan pháp luật, truyền thông. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền có hiệu quả về hoạt động thẩm định giá.
Riêng về việc xử lý đăng ký hành nghề năm 2022 cho các thẩm định viên về giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết là có thể chấp thuận các Chứng thư thẩm định giá đất để tính vào 10 Chứng thư cho một thẩm định viên trong năm.
Riêng đối với các thẩm định viên không ký đủ 10 Chứng thư thì Chính phủ đã quy định rồi, khó có thể làm trái quy định này.
MarketTimes: Xin cảm ơn ông!