Không nên kết hôn với người gần 30 tuổi mà không tích luỹ nổi 100 triệu?
Trước thềm tuổi 30, người ta hay nói với nhau cần chuẩn bị nhiều thứ, không chỉ sự trưởng thành về mặt tâm lý, tính cách mà còn là năng lực tài chính. Để đo lường mức độ thành công của tuổi 30, nhiều người thường gán chúng với con số cụ thể, chẳng hạn như tích luỹ được 100 triệu không. Song liệu đây có phải thước đo đúng đắn với trường hợp mỗi người còn là chủ đề gây tranh cãi.
Chẳng hạn, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một chủ đề được nhiều người quan tâm, đó là: "Không nên kết hôn với người gần 30 tuổi nhưng không tích luỹ nổi 100 triệu".
Cụ thể, trong một hội nhóm, một người nêu quan điểm như sau: "Nể nhất mấy đứa gần 30 tuổi mà không tích luỹ nổi 100 triệu (tích lũy nghĩa là tính luôn cả các tài sản có thanh khoản khác luôn nhé).
Trừ khi gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt thì mình không hiểu mấy thành phần này hồi trẻ phải ăn tàn phá hoại như thế nào. Ra trường 22, đến 30 là 8 năm. Mỗi năm chỉ cần tiết kiệm 12 triệu là đạt, còn không làm được thì đúng loại phá của rồi.
Mình khuyên mấy bạn loại này thì không nên lấy về làm vợ hay chồng, vì 90% lấy về thì bạn sẽ là cái ATM thứ 2 của tụi nó.
Ai mà có ý định đi đến hôn nhân thì cũng nên check var người yêu xem tổng tài sản có đến 100 triệu không. Đừng bảo yêu đương thì không quan trọng gì tiền bạc, cách xài tiền cũng nói lên bản chất con người đó, cái loại kiếm 10 đồng ăn hết 9 đồng thì nên vứt".
Bài đăng nhanh chóng thu hút nhiều chú ý và gây ra h nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều. Một số nhỏ ý kiến đồng tình vì cho rằng khả năng kiếm tiền và quản lý tài chính là một yếu tố quan trọng để đánh giá về người bạn đời. Và ở tuổi gần 30 mà bạn không tích luỹ được 100 triệu tính theo tiền mặt và tài sản thì quả thật sẽ khó để người yêu tin tưởng "về chung một nhà" với bạn.
Song, ở diễn biến ngược lại, phần đông ý kiến cho rằng bài viết đưa ra quan điểm phiến diện. Bởi chúng ta không nên dùng thước đo có bao nhiêu tiền và tài sản tích luỹ để đánh giá một người, đặc biệt là dùng chúng để nhận định một ai đó không xứng đáng được kết hôn thì lại càng sai.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Đúng ý mà. Nếu bạn không có việc gia đình cần tiền chi, mà không có 100 triệu tích luỹ là bỏ phí thời gian và công sức của mình. Thấy tiết kiệm được 500 triệu ở tuổi 30 mà còn mông lung ấy.
- Tui tích luỹ được gần 250 triệu sau hơn 5 năm đi làm, nhưng nói thật còn chả thấm vào đâu. Riêng nghĩ đến việc lo cái đám cưới thôi là bay cũng khá đậm rồi, chưa kể còn đau bệnh các kiểu. Lời bạn viết bài cũng có ý đúng đó, chẳng qua cách diễn đạt gây khó chịu thôi.
- Ông ý nói đúng mà, và còn loại trừ hoàn cảnh khó khăn rồi. Cột mốc 100 triệu sau 2-3 năm đi làm đã phải làm được rồi, chứ còn tính ở tuổi 30 thì quá ít ấy.
-Mình thấy đúng nhé. Tích luỹ ở đây là để tiết kiệm phòng những trường hợp đau ốm, gia đình có vấn đề. Ngoại trừ tường hợp phải nuôi gia đình và vấn đề xấu phát sinh thì một năm tầm 20 triệu mà không tiết kiệm nổi thì nên suy xét lại bản thân.
Còn thật sự nếu tài sản cá nhân (bao gồm cả phương tiện và tài sản khác đã mua cho cá nhân ) mà không đủ 100 triệu thì phải có vấn đề gì, tôi nghĩ nên cân nhắc việc lập gia đình cũng đúng. Vì lập gia đình, có con cái còn bao nhiêu khoản lo, cơm áo gạo tiền rồi con cái ốm đau nữa. Thế nên còn trẻ, các bạn cũng nên tiết kiệm một ít để phòng trường hợp rủi ro xảy ra nhé.
- Đời của mình, mình sống. Mỗi người có 1 mức quy chuẩn riêng của bản thân, sao cứ phải sống theo ý người khác?
- Của cải lớn nhất của người ta chính là gia đình. Mọi tài sản tích luỹ của người ta, nằm ở gia đình. Trong túi người ta không có nhiều tiền nhưng nhà người ta đủ đầy, bố mẹ người ta được nhờ, thậm chí là bố mẹ người ta còn thay người ta tích luỹ tài sản cho họ. Chỉ nhờ người ta dắt con dâu, con rể về là trao lại tất cả thôi. Nếu chỉ nhìn vào ví có 100 triệu để đánh giá 1 ai đó thì bạn nhầm to luôn.
- Cuộc đời đâu phải cuộc thi xem ai đến 30 tuổi là tích luỹ được nhiều tiền hơn. Mỗi người 1 mục đích sống. Chẳng hạn có bạn không ăn, không tiêu, không đi chơi, không hẹn hò chỉ tích tiền cho nhiều rồi tự hào hơn bạn đi làm nhiều, nhưng đi chơi, đi du lịch suốt, làm được bao nhiêu tiêu hết tận hưởng tuổi trẻ. Thì kết quả giữa hai bạn này, ai làm tốt hơn?
Gần 30 tuổi không có 100 triệu tích luỹ là thật bại?
Trên mạng xã hội luôn không thiếu những cuộc tranh luận xoay quanh việc gán những từ tiêu cực như "thất bại", "không xứng đáng để kết hôn" với những người gần 30 tuổi không có 100 triệu tiết kiệm. Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều bạn trẻ cho biết gần 30 tuổi cũng khó để dành được 100 triệu đồng vì nhiều lý do khác nhau. Số đông khác lại nhận định, thất bại hay thành công của ai đó không nên được định nghĩa chỉ bởi con số tuổi tác và số dư trong tài khoản.
Mai Anh (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho rằng một người gần 30 tuổi nên có khoản dự phòng là 3-6 tháng tổng chi tiêu trung bình của một tháng hiện tại. Ví dụ, bạn đang tiêu 6 triệu đồng/tháng thì nên để dành được 36 triệu là khoản tối thiểu để lo cho bản thân, phòng trường hợp mất việc sẽ không cần làm phiền người khác.
Tuy nhiên, Mai Anh cho rằng không nên dùng tiêu chí có bao nhiêu tiền phòng thân để đánh giá một người thành công hay thất bại.
Cô lý giải: ''Mình thấy cách đánh giá này hơi tiêu cực và thiển cận. Vì có người đặt mục tiêu là tiết kiệm bao nhiêu tiền, mua nhà mua xe. Còn có người hướng mục tiêu là tận hưởng, trải nghiệm, học tập… Hay có người đang lo trả nợ cho gia đình, lo cho cha mẹ, cho em đi học, cho tiền sửa nhà… như vậy người ta đâu được coi là thất bại mà là thành công đó chứ. Chưa kể có những người không may mắn thì tiết kiệm được một ít, sau đó gặp phải chuyện cần chi thế là mất luôn khoản tiết kiệm, bạn mình nhiều người như thế lắm.
Với mình thì không báo nợ là tốt rồi. Họ làm 10 đồng thì có quyền xài 10 đồng, mình đâu ở trong hoàn cảnh của người ta mà phán xét. Chính mình cũng đang cố gắng giảm chi tiêu mỗi tháng lại nhưng vì mục đích là để dành đi du lịch và học tập chứ không phải để có của để dành".
Đồng tình với quan điểm của Mai Anh, Quang Minh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho rằng chỉ có 2 tiêu chí là ''30 tuổi" và ''100 triệu đồng" thì càng khó rạch ròi để đánh giá một người, đặc biệt là khi dùng từ ''thất bại" để gán cho ai đó.
Quang Minh cho hay: ''Chúng ta phải hiểu bối cảnh của cuộc sống hiện tại, đó là dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, giá nhà đất quá cao để một người trẻ có thể trả hết trong vài năm. Về quê làm việc thì thu nhập khó bằng được trên các thành phố lớn. Hay là đôi khi trên bước đường phát triển của một người, bạn sẽ gặp biến cố khiến cho quá trình đó gián đoạn, nó bị chậm lại.
Đó là chưa kể chúng ta còn bỏ tiền ra để mua trải nghiệm, đi học cải thiện bản thân để tiếp tục làm việc tốt hơn. Cuối cùng mình nghĩ chúng ta nên luôn cảm thông với nhiều số phận, mảnh đời. Bởi vì khi bạn còn đang hít thở, đang làm việc thì còn may mắn hơn nhiều người''.