Trái cây tỷ đô của Việt Nam có thêm đối thủ mới

Thiên Minh | 10:56 04/07/2023

Thanh long Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc do năng lực sản xuất vượt trội từ quốc gia này. Đồng thời, Ấn Độ - thị trường xuất khẩu Việt Nam đang hướng tới, cũng đã khởi động kế hoạch trồng thanh long từ năm 2022.

Trái cây tỷ đô của Việt Nam có thêm đối thủ mới
Thanh long Việt Nam chờ kiểm định hải quan tại Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: China Daily

Nội dung chính:

  • - Từ một nước nhập khẩu thanh long, Ấn Độ đang triển khai kế hoạch tự chủ sản xuất: tăng diện tích trồng thanh long lên đến 50 nghìn hecta vào năm 2027.
  • - Chính phủ Ấn Độ đưa ra nhiều biện pháp khuyến nông, tập huấn cây trồng cho nông dân, đồng thời quảng bá lợi ích sức khỏe của trái cây thanh long cho người tiêu dùng trong nước.
  • - Theo báo cáo của Mordor Intelligence, ước tính tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường tiêu thụ thanh long thế giới đến năm 2028 là 3,9% - thấp hơn hẳn tỷ lệ gần 10% của sầu riêng và dừa. 

Thanh long thất thủ

Nguy cơ Việt Nam mất dần vị thế xuất khẩu thanh long trên thế giới đang ngày càng rõ rệt. 

Trong hai tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam chỉ đạt 47 triệu USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng giảm từ 1,25 tỷ USD năm 2019 xuống chỉ còn 633 triệu USD năm 2022.

Diện tích vùng trồng thanh long của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021, Trung Quốc có 67 nghìn hecta trồng thanh long, đạt sản lượng hàng năm 1,6 triệu tấn, soán ngôi Việt Nam để trở thành nhà sản xuất thanh long lớn nhất thế giới. 

Nhu cầu tiêu dùng thanh long của Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nhiều thanh long nhất Việt Nam ước tính khoảng hơn 2 triệu tấn. Với năng lực sản xuất nội địa, việc suy giảm nhập khẩu từ Việt Nam là tất yếu.

Một số nông dân tỉnh Ninh Thuận đã vận chuyển thanh long lên TP.HCM để bán với giá xung quanh 10.000 đồng/kg cho thanh long ruột trắng do không thể xuất khẩu. 

Theo báo Lao Động, hiện giá thanh long thương lái thu mua ở tỉnh Tiền Giang cũng giảm rõ rệt so với đầu mùa tháng Năm. 

Giá thanh long ruột đỏ loại 1, loại 2 và loại 3 được thương lái thu mua với giá lần lượt là 16.000 đồng, 11.000 đồng và 6.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, ước tính tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường tiêu thụ thanh long thế giới đến năm 2028 là 3,9% - thấp hơn hẳn tỷ lệ gần 10% của sầu riêng và dừa. 

Ấn Độ hướng tới tự chủ trồng thanh long

Trong thế khó của xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, Ấn Độ với quy mô dân số tương đương được xem là một thị trường đầy tiềm năng. “Mỗi người Ấn Độ chỉ dùng một USD để ăn trái cây thôi thì đã là một thị trường quá lớn cho thanh long của Việt Nam”, ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết.

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đang tìm hướng mở rộng xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, thì quốc gia đông dân nhất thế giới cũng định hướng tự chủ sản xuất loại trái cây này. Nghiên cứu của Ấn Độ về lợi ích trồng thanh long được đẩy mạnh từ năm 2017.

Theo báo cáo của Đại học Centurion (Ấn Độ), thanh long được gọi là “siêu trái cây” vì hàm lượng vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, giảm cholesterol và lượng đường trong máu, tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, cây thanh long không cần tưới nước nhiều và có thể canh tác ở vùng đất khô hạn, cây có thể ra trái từ năm thứ hai và duy trì được đến 20 năm. 

Ngoài ra, mỗi hecta đất có thể trồng được đến 800 gốc thanh long. Việc trồng thanh long nhờ vậy mà ít gây tác động đến môi trường sinh thái.

Cân nhắc lợi ích dinh dưỡng và canh tác như trên, năm 2022, Ấn Độ bắt đầu triển khai kế hoạch đẩy mạnh diện tích trồng thanh long lên đến 50 nghìn hecta trong vòng 5 năm.

Vườn trồng mẫu cây thanh long tại Đại học Centurion (Ấn Độ)

Cung cấp kiến thức canh tác và hỗ trợ tài chính

Ông Manoj Ahuja, Union Agriculture Secretary cho rằng “trồng 50 nghìn hecta trong vòng năm năm là mục tiêu khả thi”. Ông cho biết chính quyền trung ương sẽ trợ giúp các bang cung cấp kiến thức canh tác cho nông dân, bao gồm việc chuẩn bị đất, chăm sóc, thu hoạch và tận dụng vỏ thanh long.

Các bang đã và đang trồng thanh long ở Ấn Độ. Nguồn: Đại học Centurian

Chính quyền tại bang Gujarat thông báo hỗ trợ tài chính cho nông dân từ 3,6 – 5,5 nghìn USD cho mỗi hecta trồng thanh long. 

Tiếp sau đó, bang Haryana cũng quyết định chi một khoản trợ cấp lên đến 1,5 nghìn USD/ hecta cho nông dân trồng thử loại trái cây này. Nông dân bang miền Bắc Ấn Độ này cũng có thể vay từ thẻ tín dụng Kisan nếu trồng thanh long.

Theo tiến sỹ Karunakaran, Viện nghiên cứu Canh tác Ấn Độ, nước này nhập khẩu hơn 15 nghìn tấn thanh long năm 2022. Quả thanh long ngoài tên phổ biến ở Ấn Độ là “Pitaya” (Vảy rồng), còn được gọi là “Giê-su trong nôi”. 

Chính phủ Gujarat mới đây còn đặt lại tên cho thanh long là “kamalam” (sen), khuấy động hoạt động trong giới nghệ sĩ hài, báo chí và truyền thông.


(0) Bình luận
Trái cây tỷ đô của Việt Nam có thêm đối thủ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO