Trong vài năm gần đây, Mỹ liên tục vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng để mắt đến Ấn Độ như một trung tâm sản xuất mới. Họ cũng coi quốc gia Nam Á này là một điểm đến tiềm năng trước các nguy cơ gián đoạn chuỗi cung cứng tại Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, hay một đại dịch nào khác.
Nhưng khi Ấn Độ tăng cường sản xuất các mặt hàng như điện thoại thông minh, tấm pin mặt trời và thuốc men, kinh tế nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo số liệu thương mại và các nhà phân tích kinh tế.
Sự chuyển biến này như một bài kiểm tra thực tế đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi họ đang thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi các nhà máy ở Trung Quốc và giảm rủi ro trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo tổ chức nghiên cứu sáng kiến thương mại toàn cầu (GTRI), giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ đã tăng gấp đôi so với kim ngạch nhập khẩu nói chung và hiện chiếm gần 1/3 giá trị nhập khẩu của Ấn Độ trong các ngành công nghiệp, bao gồm điện tử, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Những mặt hàng nhập khẩu này bao gồm cả thành phẩm cũng như hàng hóa trung gian phục vụ sản xuất.
Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết trong tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện tử như bảng mạch và pin, gần 2/3 đến từ Trung Quốc. Còn lượng nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc cũng tăng gấp 3 lần trong năm qua, GTRI cho biết.
Ấn Độ từ lâu đã là nước xuất khẩu dược phẩm lớn, bao gồm cả sang Mỹ. Trước đây, ngành công nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu là tự cung tự cấp thì nay lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các thành phần đầu vào quan trọng như paracetamol.
Theo báo cáo của GTRI, từ năm 2007 đến 2022, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng giá trị nhập khẩu hóa chất và dược phẩm của Ấn Độ. Chỉ trong 5 năm qua, nhập khẩu các thành phần dược phẩm và sản phẩm thuốc trung gian từ Trung Quốc của Ấn Độ cũng tăng hơn 50%.
Để thúc đẩy sản xuất hàng dệt may và may mặc – một ngành xuất khẩu quan trọng khác của Ấn Độ, nước này cũng tăng cường nhập khẩu sợi và vải từ Trung Quốc. Ngay cả ngành công nghiệp ô tô cũng tăng cường nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Trung Quốc.
Giống như ngành điện tử, Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất tấm pin mặt trời. Nhưng quốc gia này hiện cũng lại phụ thuộc nhiều vào pin mặt trời của Trung Quốc.
Sau khi Mỹ hạn chế nhập khẩu vật liệu sản xuất tấm pin mặt trời từ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tấm pin mặt trời của Ấn Độ sang Mỹ đã tăng gần 150% trong năm 2022, theo số liệu thương mại của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, theo một báo cáo vào cuối năm ngoái, khoảng 50-100% thành phần tấm pin mặt trời của Ấn Độ – chẳng hạn như mô-đun, tấm wừaer… – đến từ Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2023.
“Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò là bên thứ ba cung cấp linh kiện và chúng ta chỉ lắp ráp, thì sẽ không có quốc gia nào đến và sản xuất tại Ấn Độ có thể giảm thiểu được rủi ro”.
Phó Giáo sư Sriparna Pathak chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc tại Đại học Jindal
Các quan chức Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá việc loại bỏ yếu tố Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ tại thời điểm này là không thực tế.
“Bước đầu tiên là phải có chỗ đứng trong các phần của chuỗi cung ứng, từ đó mới có thể phát triển tiếp”, một quan chức giấu tên cho biết.
Nhận định về sự hiện diện của thành phần Trung Quốc trong tấm pin năng lượng mặt trời Ấn Độ, một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi nhận thấy không chỉ ở Mỹ, Ấn Độ mà ở những nơi khác nữa, việc quá phụ thuộc vào một nguồn cung cho ngành năng lượng sạch là không bền vững. Việc này cần các bên nỗ lực phối hợp để giảm thiểu rủi ro, nhưng sẽ mất thời gian”.
Ngay cả khi Ấn Độ nỗ lực tự sản xuất hàng hóa, nền kinh tế đông dân nhất thế giới vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về chuyên môn. Đại diện của ngành công nghiệp Ấn Độ đã kiến nghị chính phủ nới lỏng các hạn chế về thị thực cho các chuyên gia Trung Quốc để họ giúp người Ấn Độ sử dụng máy móc của “Made in China” trong sản xuất điện thoại thông minh, hàng dệt may và giày dép. Tháng 8, Ấn Độ ban hành hướng dẫn mới đẩy nhanh việc cấp thị thực cho chuyên gia Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ Pankaj Mohindroo cho biết: “Ấn Độ cần Trung Quốc trong ít nhất nửa thập kỷ tới, cùng với sự hỗ trợ toàn diện của Mỹ, để có thể đưa đất nước trở thành 1 trung tâm sản xuất thay thế quy mô lớn”.
Cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, V. Anantha Nageswaran, nhận định: “Để thúc đẩy sản xuất của Ấn Độ và biến đất nước thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc Ấn Độ đưa mình vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi”.
Các nhà phân tích đều cho rằng nguồn cung từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng sản xuất của Ấn Độ.
“Bất kể chúng ta nói gì, thực tế là Trung Quốc là nhà sản xuất linh kiện lớn nhất. Không thể tránh khỏi điều đó”, Indrani Bagchi, chuyên gia chính sách đối ngoại kiêm giám đốc điều hành tại Trung tâm Ananta (New Delhi) nhận xét.
“Và chúng tôi không muốn kéo lùi tăng trưởng công nghiệp của chính mình”, ông Bagchi nói.
Theo Washington Post, NYT, FT