Ngày 23/6, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách các công ty bảo hiểm uy tín năm 2023.
Uy tín của các công ty được đánh giá khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, đồng thời khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023.
Kết quả, top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất năm nay không thay đổi gì so với năm 2022, lần lượt là Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ (Bảo Việt Life), Dai-ichi Việt Nam, AIA Việt Nam, Prudential Việt Nam và Chubb Việt Nam.
Phần còn lại của bảng xếp hạng hầu như cũng là những cái tên từ năm ngoái, chỉ thay đổi thứ tự: Generali Việt Nam từ hạng 9 lên hạng 6 – thay thế vị trí của MB Ageas, Cathay Life từ hạng 10 lên hạng 8.
Tuy nhiên, có một công ty mới xuất hiện trong danh sách năm nay và xếp thứ 10 là Mirae Asset Prevoir. Điều này đồng nghĩa với một cái tên rời top 10, là Manulife Việt Nam.
Theo kết quả phân tích media coding giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023 của Vietnam Report, Manulife là doanh nghiệp có sự gia tăng phần trăm xuất hiện trên truyền thông nhiều nhất (tăng 9,4% so với năm trước), với chủ đề nổi bật là câu chuyện khiếu nại hợp đồng khách hàng.
Manulife Việt Nam được cho là bắt đầu rơi vào thế khó kể từ khi nhiều người dân gửi đơn tố giác lên Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Theo phản ánh, một số khách hàng đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife. Sau khi đòi lại tiền gửi tiết kiệm, họ chưa nhận được trả lời thỏa đáng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sau đó cho biết đã chuyển đơn tố giác sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) theo thẩm quyền. Từ ngày 5/5, Manulife bắt đầu tổ chức gặp mặt trực tiếp với những khách hàng nộp đơn khiếu nại để giải quyết vấn đề.
Cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có của ngành bảo hiểm
Không chỉ riêng Manulife bị ảnh hưởng, loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam. Hay theo như lời của một đại diện Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, ngành này đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có.
Kết quả là tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, ở góc độ tích cực, đây là cơ hội để toàn ngành bảo hiểm nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn, là một đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững để chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.