VN-Index sau khi không giữ được xu hướng tăng ngắn hạn, đã có tuần giao dịch tiêu cực. Đầu tuần chỉ số chung phục hồi lên vùng 1.290 điểm, sau đó chịu áp lực điều chỉnh mạnh kéo dài trong 5 phiên liên tiếp. Kết tuần 21-25/10, VN-Index giảm -2,55% về mức 1.252,72 điểm.
Dù vậy, thị trường vẫn có sự phân hoá mạnh khi đà phục hồi hầu hết tập trung ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tích cực.
Trên HOSE, cổ phiếu tăng điểm áp đảo, cao nhất 20%. KHP dẫn đầu danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất khi thị giá được đẩy lên mức giá trần 11.600 đồng/cp (kết phiên 25/10), lượng cổ phiếu giao dịch cao đột biến hơn 750.000 đơn vị. Đáng chú ý, đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này, qua đó thị giá KHP tiến lên vùng giá cao nhất 2,5 năm (kể từ 15/4/2022).
Đà tăng của KHP diễn ra sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.979 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 76 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 45 tỷ đồng.
Cổ phiếu QCG tiếp tục có tuần giao dịch khởi sắc khi thị giá tăng 11% sau một tuần. Đây là đỉnh giá cao nhất của mã cổ phiếu địa ốc này, kể từ khi bà Nguyễn Thị Như Loan, cựu Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai bị bắt liên quan tới cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM).
Ngược chiều, cổ phiếu PSH chịu áp lực chốt lời mạnh nhất khi mất 17% trong tuần qua.
Trên HNX, cổ phiếu tăng đa phần là những mã nhỏ, tính thanh khoản thấp như BKC, HCT, PGT, KKC,.. Đáng chú ý là cổ phiếu BKC khi liên tục tăng kịch trần trong tuần, thị giá tăng 45%. Đà tăng bốc cũng diễn ra sau khi BKC báo lãi sau thuế 19 tỷ, tăng trưởng hơn 3.300% so với số lãi khiêm tốn gần 600 triệu trong cùng kỳ năm trước.
Trên UPCOM, dẫn đầu là cổ phiếu MRF của Công ty cổ phần Merufa khi ghi nhận mức tăng gần 60%. Không cùng pha với đà tăng mạnh, khối lượng giao dịch của mã này chỉ èo uột vài trăm đơn vị, thậm chí có nhiều phiên "trắng thanh khoản".
Xếp sau, cổ phiếu NSS, HGT, IN4 cũng gây chú ý khi bật tăng 40-54% sau một tuần. Dù vậy, thanh khoản giao dịch của những cổ phiếu này khá ảm đạm khi nhiều phiên không có giao dịch.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 17% - 47%.