Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một phần trong đợt áp thuế toàn cầu mới. Thuế quan này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4 sắp tới.
Theo CNBC, mức thuế mới mà Tổng thống Trump đưa ra vào thời điểm mà người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng nhạy cảm về giá cả do tình trạng lạm phát kéo dài cũng như lo ngại về nền kinh tế. Hiện nay, vẫn chưa rõ những công ty nào sẽ tăng giá vì thuế quan. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp có thể sẽ không muốn phải gánh thêm chi phí này, khi họ dự đoán sức mua của người tiêu dùng sẽ bị yếu đi trong thời gian tới.
Tờ CNBC phân tích, một số thương hiệu của Mỹ trong ngành may mặc, nội thất và đồ chơi sẽ phải chịu tác động từ thuế quan của Mỹ với Việt Nam.
Cụ thể, theo Hiệp hội Nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA), có gần 1/3 lượng giày dép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023 đến từ Việt Nam. Thực tế có khoảng 25% sản phẩm của Nike được sản xuất ở Việt Nam. Do đó, việc Mỹ áp thuế quan mở rộng có thể làm chậm hoặc thậm chí là cản trở nỗ lực phục hồi thương hiệu cũng như cải thiện doanh số cửa Nike dưới thời CEO Elliott Hill. Theo CNBC, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố về mức thuế quan mới, cổ phiếu của Nike đã giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Ngoài Nike, Adidas và những công ty giày dép lớn khác cũng đang phụ thuộc nhiều vào Việt Nam. Hiện nay, hai công ty này cũng chưa trả lời lập tức yêu cầu bình luận của CNBC.
Việt Nam cũng đang là nhà cung cấp lớn thứ hai của Deckers Brands (công ty mẹ của Ugg và Hoka) với 68 đối tác trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Cổ phiếu của Deckers đã giảm gần 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Không chỉ giày dép, ngành công nghiệp nội thất cũng có thể phải chịu ảnh hưởng. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Đồ nội thất gia đình (HFA), đại diện cho những nhà bán lẻ nội thất ở Mỹ, trong năm 2023, có khoảng 26,5% hàng hóa nội thất nhập khẩu vào Mỹ đến từ Việt Nam.

Ông Niraj Shah, CEO của Wayfair, công ty chuyên bán các sản phẩm nội thất trực tuyến, cho biết những quốc gia như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đang trở thành những trung tâm sản xuất thay thế.
Cổ phiếu của Wayfair đã giảm 12% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Trong một tuyên bố, Wayfair cho biết đang theo dõi chặt chẽ bối cảnh thương mại thay đổi. Wayfair khẳng định rằng họ đang ở vị thế tốt để tiếp tục mang đến cho khách hàng kết hợp tối ưu giữa giá trị, đa dạng sản phẩm và trải nghiệm.
Ngoài ra có một ngành cũng chịu ảnh hưởng từ mức thuế quan mới của Mỹ. Đó là ngành đồ chơi phụ thuộc vào Việt Nam để sản xuất nhiều sản phẩm được nhập khẩu và bán ở Mỹ. Đơn cử như Hasbro, SpinMaster, Mattel và Crayola hợp tác với GFT Group, một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Đông Nam Á, với 5 nhà máy ở phía Bắc Việt Nam, tuyển dụng hơn 15.000 công nhân.
Ông Curtis McGill, Nhà đồng sáng lập của công ty đồ chơi Hey Buddy Hey Pal, cho biết mức thuế 46% dự kiến sẽ làm tăng giá đồ chơi ở Mỹ. Tuy nhiên, các công ty nhiều khả năng sẽ đàm phán với những nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm bớt mức tăng này.
May mặc cũng được cho là lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng từ mức thuế đối ứng của Mỹ. Chính sách thuế quan mới đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc của Mỹ có nên chuyển hoạt động sản xuất của họ hay không và sẽ chuyển đến đâu. Thế nhưng, ông Jay Schottenstein, CEO của America Eagle Outfitters nhấn mạnh rằng việc duy trì linh hoạt là rất quan trọng, trong khi chờ xem thuế quan sẽ diễn biến như thế nào và những quốc gia nào sẽ bị nhắm mục tiêu.
"Tôi sẽ không vội vàng. Vội để làm gì chứ? Tôi thậm chí còn chưa biết mình cần đi đâu", ông Jay Schottenstein chia sẻ.
Trong thời gian tới, theo các chuyên gia, các công ty Mỹ có thể sẽ phải tìm cách tối ưu hóa sản xuất và thương lượng lại hợp đồng với nhà cung cấp hoặc thậm chí đẩy chi phí lên người tiêu dùng. Việc chính quyền Trump áp thuế 46% đối với Việt Nam được coi là một cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở đây. Mặc dù các công ty có thể tìm cách thích nghi nhưng chắc chắn rằng giá cả hàng hóa từ quần áo, giày dép đến đồ nội thất và đồ chơi sẽ bị ảnh hưởng.
Không bên nào có lợi nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện

Vào 16h ngày ngày 2/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới và gọi đây là "Ngày Giải phóng" (Liberation Day), thời khắc nước Mỹ "giành lại chủ quyền kinh tế". Theo đó, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế đối ứng "có đi có lại" cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là gây mất cân bằng thương mại, như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%). Trung Quốc và Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất.
Các chuyên gia nhận định rằng không bên nào có lợi nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện. Ông Matteo Villa, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Italy nhận định rằng: "Một lần nữa, Tổng thống Trump đang đặt châu Âu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan".
Theo vị chuyên gia này, nếu ông Trump thực sự áp thuế cao thì châu Âu sẽ phải đáp trả. Tuy nhiên, nghịch lý có thể sẽ tốt hơn nếu không là gì cả. Bởi vì nếu họ trả đũa thì Mỹ chịu thêm áp lực, nhưng chính châu Âu sẽ còn thiệt hại nặng nề hơn, do phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng khả năng Tổng thống Trump dùng thuế đối ứng làm công cụ đe dọa và buộc các nước ngồi lại đàm phán thương mại.
Bài tham khảo nguồn: CNBC, Reuters, AP