Ở góc độ doanh nghiệp phân phối bất động sản, ông Bình nhìn nhận, dòng tiền của 6 triệu kiều hối đang âm thầm đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, là nguồn cầu rất lớn ở giai đoạn này. Giao dịch đến từ kiều bào tăng gấp 3 lần so với các năm trước. Trong đó, kiều bào Úc, Mỹ, Canada và khu vực châu Âu chiếm phần lớn.
Theo Tổng giám đốc Đông Tây Land, bản thân doanh nghiệp đang nỗ lực để kéo lực cầu này về. Đối với cơ quan quản lý nàh nước cần có những động thái tích cực để quảng bá, tạo ra sự quan tâm của kiều bào đối với bất động sản Việt Nam. “Kiều hối sẽ làm thị trường bất động sản sôi động hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ. Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở, dòng tiền này có thể sẽ chảy nhiều hơn, chính danh hơn vào lĩnh vực bất động sản. Điều 4 và Điều 28 Luật Đất đai 2024 cho phép người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (Việt kiều) được sở hữu nhà, đất cũng như có các quyền và lợi ích hợp pháp tương đương với công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam.
Các quy định rõ ràng và cởi mở hơn này sẽ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Việt kiều, khuyến khích họ đầu tư, sở hữu một ngôi nhà hoặc ngôi nhà thứ hai trên quê hương mà không cần nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên hộ như trước đây.
Ngoài ra, khi mở rộng đối tượng tham gia giao dịch nhà đất, luật mới cũng giúp thu hút nguồn vốn kiều hối – vốn ngày càng trở thành nguồn thu từ nước ngoài quan trọng của Việt Nam bên cạnh FDI.
Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, có 6,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, trải dài khoảng 3 thế hệ, và hơn 20% trong số đã đến tuổi nghỉ hưu, có nhu cầu về Việt Nam.
Người Việt sống ở nước ngoài thường tìm hiểu bất động sản trong nước thông qua người thân tại Việt Nam, các hội nhóm kiều bào sở tại và truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Xác định mục đích, sở thích, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của nhóm khách hàng tiềm năng này có thể giúp chủ đầu tư tiếp thị dự án hiệu quả hơn.
Trong dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư Việt kiều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp giúp thị trường có thêm dòng vốn mới, các hoạt động mua bán, đầu tư có thể sẽ sôi động hơn.
Theo đó, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút ngoại tệ bằng kiều hối là việc nhiều chính phủ nên hướng tới.
Chia sẻ thêm về nhu cầu và phân khúc bất động sản đang được người mua quan tâm hiện nay, Tổng giám đốc Đông Tây Land cho rằng, nhu cầu của khách mua thay đổi qua từng giai đoạn thị trường. Đặc biệt trong thời điểm này, sự thay đổi về nhu cầu rõ nét nhất. Hiện khách hàng tương đối kỹ tính và khó tính khi mua bất động sản. Họ xem xét rất nhiều yếu tố của bất động sản trước khi đưa ra quyết định. Chẳng hạn, nếu không mua để ở liền thì bất động sản đó có cho thuê được hay không, phải sinh ra được dòng tiền. Nếu căn hộ hay nhà đất ở xa quá, không có khả năng cho thuê được, người mua cũng sẽ không lựa chọn.
Theo đó, ông Nguyễn Thái Bình chỉ ra 3 dòng sản phẩm đang được người mua quan tâm nhất hiện nay, vẫn âm thầm thu hút dòng tiền đổ vào.
Thứ nhất, dòng căn hộ ở khu vực trung tâm và lận cận (khu vực tỉnh nhưng có khoảng cách di chuyển thuận lợi vào khu trung tâm). Đây là loại hình vẫn có nhu cầu ở rất lớn, dẫn dắt thanh khoản thị trường trong thời gian qua. Đó là sản phẩm đáp ứng tiêu chí vị trí tốt, đầy đủ tiện ích (nội khu và ngoại khu).
Thứ hai, bất động sản ven biển, có vị trí di chuyển cách 2-3 tiếng đồng hồ từ trung tâm Thành phố lớn. Nhu cầu mua ở thực, làm ngôi nhà thứ hai hoặc khai thác cho thuê vẫn rất tốt ở loại hình này. Ở thị trường phía Nam có Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết; phía Bắc có Hải Phòng, Quảng Ninh…
“Từ thời điểm Covid-19 đến nay, công ty chúng tôi vẫn bán khá tốt dòng sản phẩm bất động sản ven biển ở các thị trường lân cận Tp.HCM, cho thấy nhu cầu còn lớn”, ông Bình cho biết.
Thứ ba, bất động sản liền thổ gắn liền với các hạ tầng giao thông huyết mạch. Chẳng hạn, các bất động sản liền kề các tuyến vành đai 3, sân bay Long Thành, cao tốc… tuy nhiên, điều kiện là các bất động sản này phải thu hút nguồn cầu ở thực về sinh sống, tạo ra cộng đồng trong tương lai, không phải mua để đó chờ tăng giá.
Nhìn chung, theo ông Nguyễn Thái Bình các bất đông có nhu cầu ở thực, phát sinh dòng tiền đang là xu hướng lựa chọn nhiều nhất của người mua lúc này.
Vị này cũng khẳng định, gần đây thị trường bất động sản phía Bắc đã khởi sắc trở lại. Quý 1/2024 giao dịch bất động sản Hà Nội tăng cao. Phân khúc căn hộ trung tâm Hà Nội thiếu nguồn cung khiến sức cầu và giá tăng. Nhu cầu lan ra các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Trong khi tại Tp.HCM, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa thấy dấu hiệu phục hồi sức cầu rõ nét.
Nguyên nhân theo Tổng giám đốc Đông Tây Land do thị trường phía Nam chưa có nhiều sản phẩm mới được tung ra. Vì vậy, thị trường phải khơi thông được nguồn cung thì mới đẩy sức cầu lên được. Nếu không dùng đến các biện pháp tháo gỡ nguồn cung, thị trường bất động sản phía Nam sẽ phục hồi chậm.