Sau nhiều phiên giao dịch rung lắc, lực cầu bắt đáy ồ ạt xuất hiện trong phiên chiều 17/9 đã giúp sắc xanh phủ rộng bảng điện tử với nhiều mã bluechip bật tăng tích cực.
Chốt phiên, sàn HOSE có 312 mã tăng và 88 mã giảm, VN-Index tăng 19,69 điểm (+1,59%), lên 1.258,95 điểm; sàn HNX có 103 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 1,46 điểm (+0,63%), lên 232,3 điểm; UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,59%), lên 93,12 điểm
Là trụ cột chính kéo thị trường tăng điểm, cổ phiếu ngân hàng diễn biến đầy tích cực với 23/27 mã niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM tăng giá. Trong đó, toàn bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE và HNX đều kết phiên trong sắc xanh.
Dẫn đầu toàn ngành, cổ phiếu TCB đóng cửa tại mức giá cao nhất trong phiên, tăng gần 2,5%. Riêng phiên hôm nay, cổ phiếu Techcombank kéo VN-Index tăng gần 1 điểm.
Lực cầu tăng mạnh vào cuối phiên cũng giúp OCB bật tăng 2,2% lên 11.600 đồng/cp. Trước đó, OCB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% vào ngày 30/8 (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng
Hai cổ phiếu VCB và BID cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi xanh lần lượt 1,8% và 2%. Đây cũng là hai trong ba mã đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của thị trường, chỉ sau VHM của Vinhomes.
Một loạt cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn khác cũng tăng mạnh như LPB (+1,66%), VPB (+1,63%), HDB (+1,53%), MBB (+1,46%), SHB (1,46%), ACB (+1,45%).
Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank đang hồi phục trở lại sau nhịp điều chỉnh vào đầu tháng 9. Hiện cổ phiếu này vẫn dao động trong vùng giá cao kỷ lục và chỉ thấp hơn đỉnh lịch sử 4%.
Được biết, HDBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi vẫn còn kế hoạch chia cổ tức trong năm 2024. Sau khi chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/7 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, HDBank đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phân phối 100:20 (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới). Thời điểm chốt danh sách cổ đông sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến vào quý 3/2024.
Ngoài những mã nêu trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có được mức tăng giá tốt trong phiên hôm nay như: NVB (+2,25%), VAB (+2,15%), EIB (+1,36%), ABB (+1,32%), SSB (+1,31%), STB (+1,02%).
Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng diễn biến đầy tích cực sau khi Ngân hàng Nhà nước trong phiên giao dịch hôm qua (16/9) đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm, từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8.
Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hạ loại lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5/8.
Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%.
Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, động thái của NHNN được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh tỷ giá liên tục lao dốc trong những tuần gần đây.
Trước đó, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng. Cụ thể, Nhà điều hành đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.
Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.