Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về chỉ số giá bất động sản Nhật Bản

PV | 07:19 25/08/2023

Ngày 25/8, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội Thẩm định giá Việt Nam và Viện nghiên cứu Bất động sản Nhật Bản đồng tổ chức Tọa đàm khoa học: “Định giá bất động sản: Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chỉ số giá bất động sản tại Nhật Bản”.

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về chỉ số giá bất động sản Nhật Bản
Sáng ngày 25/8, VVA phối hợp với Viện nghiên cứu Bất động sản Nhật Bản tổ chức tọa đàm khoa học chia sẻ kinh nghiệm về chỉ số giá bất động sản Nhật Bản. Ảnh minh họa.

Theo đại diện Ban tổ chức, Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức và cung cấp góc nhìn đa chiều về các vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn về định giá bất động sản, xây dựng chỉ số giá bất động sản trong quá trình phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam và Nhật Bản, giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và các bên có liên quan.

Theo đại diện Ban tổ chức Tọa đàm, thực tế cho thấy, thực tiễn phát triển thị trường bất động sản và hoạt động về định giá bất động sản tại Việt Nam thời gian qua còn một số tồn tại và bất cập nổi bật gồm:

Thứ nhất, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động định giá đất/ bất động sản còn phân tán, gây ra một số khó khăn khi triển khai thực tế.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu và thông tin phục vụ công tác định giá bất động sản chưa được theo dõi, thiết lập đồng bộ và cập nhật.

Thứ ba, các công cụ hỗ trợ và phương pháp định giá bất động sản chưa theo kịp với nhu cầu công tác quản lý nhà nước và thị trường.

Thứ tư, hệ thống các chỉ số theo dõi và đánh giá thị trường bất động sản chưa được xây dựng và công bố thường xuyên, trong đó có chỉ số giá bất động sản.

img_20230825_085947.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Về chỉ số giá bất động sản, theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa, đây là chỉ số thể hiện sự biến thiên về giá của bất động sản, có thể coi đó là thước đo mức độ thay đổi của giá cả thị trường bất động sản theo thời gian tại thị trường từng địa phương hoặc trên thị trường cả nước.

“Đây là một chỉ tiêu thống kê kinh tế quan trọng không chỉ đối với công tác quản lý kinh tế - xã hội nói chung và quản lý thị trường bất động sản nói riêng của Nhà nước để theo dõi sự biến động của thị trường bất động sản và mối quan hệ của nó với tăng trưởng kinh tế, thị trường vốn, tài chính, tiền tệ giúp ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch và bền vững, mà còn được các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm trong việc nắm bắt dự báo xu hướng vận động của thị trường, giá cả bất động sản. để đạt được thành công trong các quyết định đầu tư, tiêu dùng bất động sản của mình và cũng là mối quan tâm của hàng trăm các Công ty định giá đất đai, bất động sản trong việc tư vấn định giá đất đai, bất động sản cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội” Chủ tịch VVA nhận định.

Cũng theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, Nhật Bản là quốc gia sớm nhận biết được vai trò quan trọng và đã áp dụng thành công chỉ số giá bất động sản và những nét tương đồng với hoạt động của thị trường bất động sản Nhật Bản trong thời kỳ đầu phát triển với thị trường bất động sản tại Việt Nam hiện nay có thể sẽ gợi mở cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm về thành công này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về chỉ số giá bất động sản Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO