Trong năm 2024, kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển toàn diện và vững chắc, GRDP (không bao gồm dầu khí) tăng trưởng 11,7%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt xa dự báo. GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.000 USD, cao hơn mức trung bình cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp, theo Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Trong năm, tỉnh thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI và 42.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gấp hơn 2 lần so với năm trước. Đặc biệt, chi đầu tư phát triển chiếm gần 62% tổng chi ngân sách, tăng gần 11% so với năm trước, thể hiện sự ưu tiên rõ ràng của tỉnh trong đầu tư cho tương lai.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 77.089 tỷ đồng, bằng 120,5% dự toán pháp lệnh, 109,2% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục nằm trong nhóm 5 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước năm 2024.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, đây là một tỉnh trẻ của vùng. Sau thống nhất đất nước, thị xã Vũng Tàu, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 30/5/1979, Quốc hội quyết định thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương gồm thị xã Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và xã Long Sơn với nhiệm vụ chính là trung tâm dịch vụ cho thăm dò, khai thác dầu khí.
Khi mới thành lập, Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Vũng Tàu và 4 huyện: Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất và Côn Đảo. Phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và phía Nam giáp Biển Đông, Côn Đảo cách đất liền 97 hải lý.
Trong quá trình phát triển, để hợp lý hóa khu vực hành chính, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành chia tách một số địa phương. Tổng diện tích tự nhiên là 1.988km2; quy mô dân số năm 2020 là 1.167.900 người.
Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được xếp vào nhóm địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất nước, là một trong những tỉnh có trình độ phát triển cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ lên thành phố thuộc trung ương
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 3 thành phố trực thuộc, gồm Vũng Tàu, Bà Rịa (tỉnh lỵ) và Phú Mỹ. Trong đó, Phú Mỹ là thành phố mới nhất, nghị quyết thành lập có hiệu lực từ 1/3. Như vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 3 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Ðông Nam Bộ.
Giai đoạn 2026-2030, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Bà Rịa và thành phố Phú Mỹ trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và bảo đảm cả hai đơn vị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định.
Theo quy hoạch, dự kiến Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn này sẽ sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Ðiều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Phước Long Thọ và xã Long Tân (huyện Ðất Ðỏ); xã Hòa Hội và xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) và sáp nhập xã Phước Hưng vào thị trấn Long Hải.
Cùng với đó, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu và vùng động lực phía Nam.
Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500 USD).