Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn DOJI, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra, lên mức 117,3 – 120 triệu đồng/lượng. Biên độ mua – bán nới rộng lên 2,7 triệu đồng/lượng, phản ánh tâm lý thận trọng trước biến động giá mạnh.
Tập đoàn Phú Quý cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, với giá mua vào tăng 2 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 1,8 triệu đồng/lượng, lên 116,5 – 120 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, các sản phẩm vàng nhẫn cũng đồng loạt tăng giá. Nhẫn tròn trơn Rồng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu) tăng 1 triệu đồng/lượng, giao dịch trong khoảng 114,5 – 117,5 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý 999.9 tăng mạnh hơn, thêm 1,5 triệu đồng/lượng, lên 112,5 – 115,5 triệu đồng/lượng.
Một số sản phẩm khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 vọt lên 112 – 115 triệu đồng/lượng, tăng tới 2,2 triệu đồng/lượng, trong khi nhẫn SJC 999.9 cũng nhích thêm 1,5 triệu đồng/lượng, giao dịch ở vùng giá tương tự 112 – 115 triệu đồng/lượng.
Động thái tăng giá diễn ra trong bối cảnh thị trường vàng trong nước đang phản ứng mạnh với diễn biến quốc tế và kỳ vọng chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn. Giới chuyên gia dự báo xu hướng giằng co sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn.
.png)
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng điều chỉnh, hiện còn 3.219,5 USD/ounce, tăng khoảng 68 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên liền trước. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Vietcombank (chưa bao gồm thuế và phí), giá vàng thế giới tương đương khoảng 101,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 18,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hiện được hỗ trợ mạnh nhờ đồng USD suy yếu và số liệu kinh tế Mỹ kém lạc quan. Chỉ số Dollar Index giảm 0,17%, khiến vàng trở nên rẻ hơn với người mua bằng các đồng tiền khác.
Đồng thời, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 bất ngờ giảm, tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy lạm phát hạ nhiệt.
Những tín hiệu này làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất vào tháng 9. Lãi suất thấp vốn là yếu tố tích cực đối với vàng – tài sản không sinh lãi nhưng được ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn và lạm phát cao.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, tình hình địa chính trị tiếp tục là điểm nóng tác động tới giá vàng. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội đàm hòa bình với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm kỳ vọng về khả năng hạ nhiệt xung đột, từ đó kích hoạt các đợt mua vàng phòng ngừa rủi ro. Nga chỉ cử một phái đoàn cấp thấp, trong khi Ukraine kỳ vọng có cuộc gặp cấp cao hơn.
Ngoài ra, giới đầu tư vẫn đang theo dõi sát các căng thẳng thương mại toàn cầu, dù Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận tạm thời về thuế nhập khẩu trong vòng 90 ngày.