Theo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương, thực hiện quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và rà soát hồ sơ, đàm phán thống nhất mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức.
Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp và EVN triển khai các thủ tục đưa các nhà máy vào vận hành phát điện.
Theo thông tin cập nhật mới nhất đến ngày 19/5/2023, trong số 37 hồ sơ đàm phán Chủ đầu tư đã gửi EVN, có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.200 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời (trong đó có 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển). Bên cạnh đó, 6 nhà máy đã được Chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương trong tuần tới.
Về phương pháp tính giá điện, đã có 24 Chủ đầu tư thống nhất áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương.
Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực đàm phán của các Chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên tinh thần hài hòa lợi ích – chia sẻ rủi ro giữa các bên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên thiên nhiên.
Tuy vậy, vẫn còn 48 nhà máy trong tổng số 85 nhà máy điện chuyển tiếp Chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán đến EVN, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện.
Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.
Đây là lúc các Chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thoả thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, để có thể huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia, dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Trong lĩnh vực điện lực, theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực; 12 nhà máy đã được Chủ đầu tư nộp và đang hoàn thiện hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Các nhà máy chuyển tiếp có hồ sơ trên Cổng dịch vụ công đã được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra thực tế tại nhà máy để đảm bảo quyền lợi của các Chủ đầu tư.