Ngày 04/10/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm.
Đáng chú ý trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 21/9/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 5,91%. NHNN cũng cho biết ước tính đến hết tháng 9 tín dụng tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022. Còn theo báo cáo của Tổng cục thống kê thì tín dụng đến ngày 20/9 tăng khoảng 5,73%.
Như vậy chỉ trong tuần cuối tháng 9, tín dụng đã có tăng trưởng khá mạnh, từ 5,91% lên 6,92%. Tính theo số tuyệt đối thì có đến hơn 120 nghìn tỷ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong những ngày cuối tháng vừa qua.
Sự bứt tốc này cũng gây chú ý bởi kể từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể các tháng trước (tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 là 4,73%, cuối tháng 7 là 4,54%).
Cũng theo Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung. Cụ thể, đến 31/7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09%.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 09 tháng đầu năm của tỉnh chỉ 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).
Tình hình tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của một số ngành có xu hướng giảm. Cụ thể, tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, DNNVV giảm 6,28%.
Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực của tỉnh Thái Nguyên có tín dụng tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh BĐS tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.
Theo NHNN cho biết, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.
Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). TCTD hiện rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.