Mở cửa hàng đầu tiên tại Úc
Sau nhiều năm thành công ở thị trường đồ uống Đông Nam Á, Mixue Bingcheng Ice Cream and Tea đã mở cửa hàng đầu tiên tại Úc. Cửa hàng mới này tọa lạc ở trung tâm mua sắm World Square, thành phố Sydney và được khai trương vào ngày 12/2 vừa qua.
Thương hiệu này cũng dự kiến sẽ mở thêm các cửa hàng khác tại thành phố Brisbane và Melbourne. Tại thị trường này, Mixue muốn hướng tới khách hàng mục tiêu là các bạn sinh viên. Chính bởi vậy thương hiệu đã đưa ra khẩu hiệu quảng cáo “1000 sinh viên Sydney được thưởng thức đồ uống miễn phí”.
Theo thông tin từ trang web Good Food, trà sữa trân châu đã trở thành một trong những mặt hàng đồ uống đang được ưa chuộng nhất tại Úc. Tại đây, người dân đã rất quen thuộc với các hãng trà sữa như Happy Lemon, Coco, Xingfu Tang của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Mixue cần có chiến lược phù hợp để cạnh tranh với các thương hiệu này.
Tốc độ phát triển của thương hiệu trà sữa Mixue
Thương hiệu Mixue có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng, được thành lập vào năm 1997 bởi hai anh em Zhang Hongchao và Zhang Hongfu. Ban đầu, Mixue là một cửa hàng bán kem, đồ uống và thức ăn nhanh quy mô nhỏ ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc.
Mixue thành lập công ty vào năm 2008 và đổi tên thành Công ty TNHH Quản lý doanh nghiệp Lưỡng Ngạn Trịnh Châu vào năm 2010. Kể từ đó, thương hiệu này đã phát triển thành đế chế bán kem và trà sữa lớn mạnh. Vài năm sau, Mixue thành lập các công ty con chuyên sản xuất nguyên liệu, hậu cần, kho bãi và quản lý đầu tư.
Chiến lược của Mixue là bán sản phẩm giá rẻ, mô hình kinh doanh chi phí thấp, tập trung vào các tỉnh nhỏ, vùng ngoại ô và khu nhiều sinh viên.
Theo thông tin từ trang The World of Chinese, Mixue đã thu về mức lợi nhuận ròng là 1,91 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 và có rất nhiều cửa hàng ở nhiều quốc gia, chủ yếu là ở Đông Nam Á.
Tính đến tháng 3/2022, Mixue có 21.619 cửa hàng trên toàn thế giới. Riêng Việt Nam đã có khoảng 600 cửa hàng Mixue, trải khắp 43 tỉnh thành. Tính đến tháng 12/2022, khoảng 137 cửa hàng Mixue đang có mặt tại Hà Nội.
Bí quyết thành công
Price: Đầu tiên, Mixue có giá thành rẻ. Ví dụ tại thị trường Trung Quốc, một ly trà sữa của thương hiệu đối thủ Good Me có giá khoảng 15 nhân dân tệ (51 nghìn đồng) thì đồ uống của Mixue chỉ ở mức 7 nhân dân tệ (24-25 nghìn đồng).
Ở Việt Nam cũng vậy, trà sữa Mixue có giá trung bình là 25.000 đồng, trong khi các thương hiệu như Gongcha, Dingtea các loại trà sữa thường có mức giá 35.000-40.000 đồng. Khi kinh tế thế giới đang gặp nhiều khủng hoảng, làn sóng sa thải ồ ạt, chiến lược giá rẻ của Mixue đã nhắm đúng tới tâm lý của nhiều người (insight).
Place: Tiếp đó là về địa điểm, chiến lược chung của Mixue tại các nước châu Á là hướng tới các khu vực “bình dân”, nơi các thương hiệu trà sữa cao cấp chưa có nhiều hoặc giá thành quá đắt. Đồng thời, biện pháp này cũng giúp cửa hàng tiết kiệm được chi phí mặt bằng.
Promotion: Thứ ba là phương thức quảng bá để tăng độ nhận diện thương hiệu. Đầu tiên, Mixue đã sử dụng Character Marketing (chiến lược linh vật). Linh vật của Mixue có tên là Snow King, một người tuyết mặc áo choàng và cầm trượng. Không chỉ tạo sự khác biệt, linh vật có thể dễ dàng tạo được câu chuyện và gắn kết khách hàng.
Mixue từng có một chiến dịch ra mắt sản phẩm mới rất thành công với linh vật này. Tháng 6/2022, Mixue ra mắt hình ảnh linh vật bị cháy nắng. Đây là chiến dịch ra mắt trà dâu tằm của thương hiệu với khẩu hiệu “Snow King bị cháy nắng khi hái dâu”. Đợt quảng bá này đã được nhiều khách hàng chú ý và chia sẻ trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, Mixue cũng áp dụng chiến lược Music Marketing. Thương hiệu đã tạo ra một bài hát riêng trên nhạc nền của một bài hát thiếu nhi. Ca khúc có hai câu “Tôi yêu bạn, bạn yêu tôi. Kem và trà sữa Mixue” lặp đi lặp lại. Nhờ đó, thương hiệu đã nhận được rất nhiều bình luận tích cực trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Process: Chưa hết, quy trình vận hành cũng là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của Mixue. Doanh thu của Mixue đa phần đến từ việc nhượng quyền. Tuy nhiên, thương hiệu không tham gia vào việc quản lý các cửa hàng nhượng quyền đó và không chia sẻ lợi nhuận. Người nhượng quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về lợi nhuận cũng như tổn thất của chính họ. Điều này giúp công ty chịu ít rủi ro.
Mixue chỉ cung cấp nguyên liệu, bao bì cho đối tác và tham gia đào tạo. Đặc biệt, Mixue có nhà máy sản xuất nguyên liệu pha chế riêng, mạng lưới kho hàng rộng và nguồn trà địa phương đảm bảo nên có thể tối ưu chi phí.
Tổng hợp