Tiền gửi tiết kiệm giảm tốc, các ngân hàng nâng lãi suất để hút tiền vào

Hải Sơn | 09:46 12/07/2022

Tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng dần chậm lại khiến các ngân hàng phải có động thái hút tiền vào khi nhu cầu cho cuối năm tăng.

Tiền gửi tiết kiệm giảm tốc, các ngân hàng nâng lãi suất để hút tiền vào
Hiện nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động. (Ảnh: Int)

Báo cáo gần đây của VnDirect nhận xét, lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại kể từ tháng 5/2022. Trong năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu huy động vốn lên cao dựa trên tín dụng tăng trưởng, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán...

Tiền gửi có kỳ hạn dần chậm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 4/2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng đang dần chậm lại.

Cụ thể, tại ngày 30/4/2022, tiền gửi tại các ngân hàng đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, giảm 11.849 tỷ đồng so với cuối tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu do tiền gửi của nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế sụt giảm tới hơn 69.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Bên cạnh đó, tiền gửi dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng có dấu hiệu chậm lại. Theo Chứng khoán VNDirect, khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các công cụ đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp.

Về tiền gửi dân cư tăng trưởng dương, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi nói chung của dân cư tăng 173.994 tỷ đồng (tăng 3,3%). Trong đó, tiền gửi thanh toán của cá nhân tăng tới hơn 103 nghìn tỷ, tương đương tăng 11%. Riêng tháng 4/2022, tiền gửi dân cư vẫn tăng hơn 57.500 tỷ lên hơn 5,5 triệu tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia ngân hàng, việc tăng trưởng này này chủ yếu nhờ tăng trưởng ở loại hình tiền gửi không kỳ hạn (với lãi suất rất thấp chỉ 0,1%/năm) cho thấy người dân dường như vẫn không mấy mặn mà với gửi tiết kiệm để lấy kiếm lời dù lãi suất có tăng thời gian qua. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của công nghệ thanh toán hiện đại là yếu tố chính giúp tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng tăng trưởng chóng mặt trong vài năm trở lại đây.

Trên thực tế, việc tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng trưởng chậm lại cũng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của một số ngân hàng trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng “hút” tiền vào

Động thái ở phía ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 7. Mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,9-1,2% một năm.

ACB là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất lên tới 0,9 điểm % đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 và 9 tháng. Với các khoản tiền gửi 6 tháng, nhà băng này cũng cộng thêm 0,8 điểm % và điều chỉnh tăng 0,6 điểm % cho kỳ 3 và 12 tháng. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ACB ở mức 6,4%/năm.

Cũng điều chỉnh mạnh, HDBank nâng 0,4% một năm cho khách hàng gửi tiền 1-3 tháng tại quầy, các kỳ hạn 6 và 9 tháng được tăng 0,3% một năm, 12 tháng tăng 0,2%.

MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2 điểm % đến 0,5 điểm %. Cụ thể, kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng tăng thêm 0,4% lên lần lượt 4,8%/năm – 4,9%/năm – 5,3%/năm. Kỳ hạn 4 và 5 tháng tăng thêm 0,2% cùng lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 6 tháng tăng nhiều nhất với 0,5% lên 5,9%/năm.

Đợt tăng lãi suất đồng loạt này còn chứng kiến nhóm ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ tham gia thị trường như: GPBank, DongABank, CBBank, VietCapitalBank...

Đáng lưu ý, khối ngân hàng quốc doanh cũng tham gia “cuộc đua” tăng lãi suất. Tại Agribank, từ 1/7 nhà băng này lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 24 tháng thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm. Trước đó, BIDV cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm cao nhất từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.

Nhìn chung, lãi suất tiết kiệm 12 tháng toàn thị trường nhích nhẹ lên 6,16% tại quầy và tăng khá mạnh lên 6,34% trên kênh online. Có 21 ngân hàng đang đưa ra lãi suất tiền gửi trên 6% tại quầy. Con số này đối với online là 25 đơn vị. Quán quân lãi suất tiết kiệm vẫn là SCB với mức 7,3% một năm ở cả hai kênh giao dịch.

Ở kỳ hạn từ 13 tháng lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,3%/năm thuộc về ABBank – đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.

Trong tháng này, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank cũng vượt lên trên 7%, thậm chí vượt qua cả Techcombank trở thành nhà băng có lãi suất cao nhất đứng thứ 3 thị trường.

Trước việc tăng lãi suất tiền gửi, dự kiến tiền nhàn rỗi chảy mạnh trở lại ngân hàng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 81,8% huy động tiền gửi của các ngân hàng dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tiết lộ, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài hạn đang được ưu tiên và có thể nói bước đầu cũng đã vượt qua mặt bằng lãi suất trái phiếu huy động bổ sung vốn cấp 2 của một số ngân hàng nhóm lớn cam kết khi phát hành cho trái chủ thời gian qua (từ mức 7-7,50%).

Đáng lưu ý, xu hướng lãi suất huy động diễn ra trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang dư thừa. Biểu hiện là trong mấy tuần gần đây Ngân hàng Nhà nước "mạnh tay" hút tiền về, thông qua 2 công cụ thị trường mở và bán ngoại tệ, đã có 349.500 tỷ đồng được cơ quan quản lý tiền tệ rút khỏi thị trường trong thời gian vừa qua.

Theo một chuyên gia, hiện tại thanh khoản hệ thống chỉ dư thừa ở kỳ hạn siêu ngắn chủ yếu phục vụ đáp ứng tỷ lệ dự trữ trong khi nguồn tiền ở kỳ hạn dài hơi hơn thì thiếu hụt vì chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động đang giãn rộng.

Ngoài ra những quy định về an toàn của hệ thống ngân hàng trong nước đã tạo ra những rào cản làm trong ngắn hạn các ngân hàng chưa thể đẩy lượng tiền dư thừa ở kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài hơi hơn nên vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất huy động.

Các chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng trưởng; sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán và nhất là áp lực lạm phát. Theo đó, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022.

"Chúng tôi dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm giai đoạn trước dịch bệnh", bộ phận nghiên cứu cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Tiền gửi tiết kiệm giảm tốc, các ngân hàng nâng lãi suất để hút tiền vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO