Tiềm lực Vinadic, doanh nghiệp “con cưng” của của Chủ tịch Amaccao Group Tô Văn Năm ra sao khi vừa lọt vòng trong gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành

Lê Sáng | 12:32 16/08/2023

Sau khi lọt vòng trong gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành, tiềm lực thực sự của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic), doanh nghiệp bên cạnh Amaccao Group của Chủ tịch Tô Văn Năm là câu chuyện được giới quan sát hết sức quan tâm.

Tiềm lực Vinadic, doanh nghiệp “con cưng” của của Chủ tịch Amaccao Group Tô Văn Năm ra sao khi vừa lọt vòng trong gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành
VINADIC được biết đến là đơn vị thi công chính tại dự án Sân bay Điện Biên. Ảnh: Vinadic

Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thông báo nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - Công ty cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

Gói thầu 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác. Tổng mức đầu tư gói thầu này hơn 8.100 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn thứ 2 sau gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, giai đoạn 1 giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.

Góp mặt trong liên danh nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật tại gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) trở thành cái tên được giới quan sát chú ý khi chủ tịch của doanh nghiệp này cũng chính là người đứng đầu Amaccao Group, ông Tô Văn Năm.

“Con cưng” của Chủ tịch Amaccao Group Tô Văn Năm

Theo các thông tin công khai, Vinadic được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính tại ô CN6, Khu công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Trong năm 2018, Vinadic đã thực hiện 2 lần điều chỉnh tăng nguồn vốn, từ 500 tỷ đồng lên mức 1.130 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm (sinh năm 1969) là cổ đông lớn nhất góp hơn 1.116 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 98,7%. Đến tháng 11/2019, Vinadic tiếp tục tăng vốn lên 1.350 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại.

Ban đầu, Vinadic chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp với những dự án đường giao thông, dự án san lấp hạ tầng, dự án thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.

Thời gian qua, song song với lĩnh vực xây lắp, Vinadic cũng liên tục mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản với việc triển khai loạt dự án gồm nhà ở cao tầng có quy mô 10.770m2, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; trung tâm nguyên phụ liệu gia giày Hà Nội (quy mô 7.390 m2, vốn 620 tỷ đồng), chợ gỗ Vân Hà (4,8ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng) hay chợ Mun (1.244ha, vốn 120 tỷ đồng) đều nằm tại Đông Anh, Hà Nội và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Vinadic còn sở hữu dự án Nhà ở văn phòng IA4 (vốn đầu tư 300 tỷ đồng) và 4 Khu công nghiệp đang hoạt động gồm các Khu công nghiệp Vân Nội, Nguyên Khê, Phổ Yên và Phủ Lý với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ.

Vinadic cũng tham gia thi công hạ tầng khu ô tô tại nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng; xây dựng hệ thống chiếu sáng tại khu công nghiệp Yên Phong - Samsung; thi công hoàn thiện nhà máy nhựa EuroPipe có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng tại Thái Nguyên; thi công hoàn thiện nhà máy thiết bị điện Vonta có tổng mức đầu tư 346 tỷ đồng.

vnadic.jpg
Trong lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp gần nhất của Vinadic, người đại diện pháp luật của Vinadic đã được chuyển từ ông Tô Văn Năm sang ông Nguyễn Trọng Quỳnh. Nguồn: MPI

Trên website của mình, Vinadic tự giới thiệu đã có kinh nghiệm triển khai nhiều gói thầu nâng cấp, cải tạo sân bay như dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án sân bay quân sự tỉnh Lai Châu, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Điện Biên...

Trên thị trường, Vinadic được biết đến là doanh nghiệp “bên cạnh” Amaccao Group khi đều do ông Tô Văn Năm làm Chủ tịch và nắm phần lớn cổ phần.

cd-sang-lap.jpg
Trong lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp vào tháng 8/2018, cùng với việc tăng vốn điều lệ, ông Tô Văn Năm cũng đã góp thêm vốn để giữ mức 97,88 % cổ phần của Vinadic. Nguồn: MPI

Về phía Amaccao Group, đây là tập đoàn đa ngành được thành lập từ năm 1995, trụ sở tại tòa nhà hỗn hợp vườn đào, ngõ 689 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Tháng 4/2018, Amaccao Group, đã thực hiện tăng vốn 'khủng', từ mức 100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng chỉ trong 1 lần điều chỉnh. Các cổ đông góp vốn bao gồm: ông Tô Văn Nam góp 1.080 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 90%); bà Tô Anh Minh góp 108 tỷ (tỷ lệ 9%); 2 cá nhân còn lại là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường cùng góp số tiền 6 tỷ (tương ứng tỷ lệ 0,5%).

Sức khỏe tài chính của Vinadic ra sao?

Được biết đến như một tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây lắp cũng như đầu tư đa ngành với danh mục dự án “khủng” nhưng thông tin về tình hình tài chính của Vinadic vẫn là một ẩn số khi doanh nghiệp này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán cũng như không phải thực hiện các nghĩa vụ công khai thông tin khi có phát hành trái phiếu theo quy định.

Tuy nhiên, qua các nghiệp vụ tín dụng liên quan đến hoạt động thế chấp tài sản đảm bảo với các ngân hàng có thể phần nào cho thấy mức đòn bẩy tài chính mà Vinadic đang sử dụng.

Cụ thể, mới đây nhất, liên tiếp vào các tháng 7 và 8/2023, Vinadic đã thế chấp tài sản, quyền tài sản là “Toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án và Toàn bộ máy móc thiết bị và động sản khác được lắp đặt tại dự án liên quan đến dự án "Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội" do Vinadic làm Chủ đầu tư” làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Hà Nội.

capture-1.jpg
Nguồn: MPI

Trước đó, vào tháng 7/2023, Vinadic đem thế chấp toàn bộ các quyền tài sản bao gồm: quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này; lợi ích, các khoản bồi hoàn, quyền thụ hưởng các hợp đồng bảo hiểm, quyền khai thác, quản lý dự án cụm công nghiệp Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội phát sinh từ các hợp đồng kinh tế cho phía Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh Đông Anh.

Ngoài ra, Vinadic cũng sử dụng nhiều tài sản khác là các hợp đồng kinh tế, máy móc, thiết bị, trạm trộn,… làm tài sản bảo cho các khoản vay tại VietinBank Đông Anh, BIDV Đông Anh và AgriBank Hồng Hà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiềm lực Vinadic, doanh nghiệp “con cưng” của của Chủ tịch Amaccao Group Tô Văn Năm ra sao khi vừa lọt vòng trong gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO