Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu: Chưa nên bỏ nhưng có thể giảm

Lê Khang | 11:15 24/03/2022

Thời gian qua, khi giá xăng dầu bán lẻ tăng cao nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu vì đây là hàng hoá thiết yếu, không phải hàng hoá đặc biệt, hàng hoá mang tính chất xa xỉ.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu: Chưa nên bỏ nhưng có thể giảm
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định Giá Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định Giá Việt Nam lại cho rằng chưa nên loại bỏ chính sách thuế này vì đây vẫn được xác định là loại “hàng hóa đặc biệt”.

Tính chất đặc biệt của xăng dầu là tiêu hao, mất đi trong tiêu dùng, là loại hàng hóa khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn đây là loại tài nguyên không tái tạo.

MarketTimes: Thưa ông, Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu được đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính chất "xa xỉ" nhằm điều tiết việc sản xuất trong nước, trong hoạt động nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó xăng dầu là nhóm hàng năng lượng thiết yếu. Vậy tại sao lại áp dụng chính sách thuế này?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Tiền thân của thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung của nước ta là thuế hàng hóa được ban hành vào năm 1951.

Năm 1990, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành nhằm mục tiêu “Để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân  sách  Nhà  nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với một số mặt hàng sản xuất”. Khi đó xăng không phải là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến năm 1993, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật năm 1990 và năm 1995 sửa đổi, bổ sung Luật năm 1993 thì xăng vẫn không nằm trong danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngày 20/5/1998, Quốc hội khóa 10 ban hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 với mục đích ghi trong Luật là: “Để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân  sách  Nhà  nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ” và lần đầu tiên xăng các loại được đưa vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 15%.

Sau đó Luật số 08/2003/QH11, Luật số 57/2005/QH11, Luật số 27/2008/QH12 điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt xăng các loại xuống 10%.

Đến Luật số 70/2014/QH13 ngày 20/6/2014 sửa đổi, bổ sung các Luật trên về thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm rõ hơn mặt hàng xăng các loại chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ đó đến nay như sau: Xăng là 10%, xăng E5 là  8%, xăng E10 là  7%...

Trong tất cả các Luật về thuế tiêu thụ đặc biệt đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nêu trên, căn cứ vào mục tiêu ban hành Luật, Quốc hội quyết định và xác định luôn trong Luật danh mục các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mà không phân định cụ thể loại mặt hàng nào là hàng hóa “xa xỉ phẩm” “hàng hóa thiết yếu hoặc không thiết yếu” (như cách gọi thông thường xưa nay).

Tuy nhiên, quan điểm xử lý xuyên suốt của Luật xác định đó là những loại hàng hóa dịch vụ cần điều tiết thu nhập, bởi nó có tính chất đặc biệt, không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, nhưng không thể cấm tiêu dùng – được coi là những loại hàng hóa, dịch vụ "xa xỉ phẩm", cao cấp – cần được Nhà nước định hướng tiêu dùng xã hội hợp lý, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước, như: Rượu, bia, thuốc lá điếu, cigar, vàng mã, tàu bay, du thuyền, kinh doanh vũ trường, massage, karaoke...

Đối với mặt hàng xăng, nó không phải là loại hàng hóa “xa xỉ” mà là loại hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhưng Nhà nước sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt như là một công cụ tài chính để định hướng khuyến khích tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng bởi tính chất đặc biệt của loại hàng hóa này là loại nhiên liệu không tái tạo, nó không phải là vô hạn. Quá trình sử dụng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng nó cũng gây ra những tác động bất lợi nhất định đến biến đổi khí hậu, môi trường sống và sức khỏe con người...

Việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt như trên những năm qua không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta trong từng thời kỳ mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế...

MarketTimes: Vậy theo ông có nên tiếp tục áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu như hiện nay không?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Trong giai đoạn hiện nay tôi nghĩ rằng chưa nên loại bỏ chính sách thuế này đối với xăng.

Xăng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế vẫn được xác định là loại “hàng hóa đặc biệt”, với tính chất đặc biệt của nó là tiêu hao, mất đi trong tiêu dùng và là loại hàng hóa khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, nó là loại tài nguyên không tái tạo.

Do đó vẫn cần thiết phải có chính sách định hướng hành vi tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu trong cả sản xuất và tiêu dùng – trong đó có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt – nhằm góp phần thực hiện chiến lược điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng nhiên liệu thông qua việc đa dạng hóa trong cung ứng và sử dụng các nguồn nâng lượng khác có thể thay thế được như: nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo... phù hợp với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh sạch theo các cam kết quốc tế mà chủ trương của Đảng, Nhà nước ta theo đuổi.

Tuy nhiên, về lâu dài, vào thời điểm thích hợp khi điều kiện cho phép cần được nghiên cứu tính toán một cách kỹ lưỡng mối quan hệ giữa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để xử lý cho phù hợp.

MarketTimes: Các nền kinh tế khác có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu hay không?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Theo các tư liệu tôi nghiên cứu được thì nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu như là công cụ để định hướng tiêu dùng xăng dầu trong xã hội, ví dụ như Nga, Australia, Ấn Độ, Hà Lan, Hồng Kông, Philippines...

Các nước quan niệm thuế tiêu thụ đặc biệt là một chính sách điều tiết “đánh” vào một số hàng hóa dịch vụ đặc biệt nằm trong danh mục do Nhà nước quy định, trong đó có mặt hàng xăng.

Tính chất đặc biệt của mỗi hàng hóa, dịch vụ ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào phong tục, tập quán, lối sống và thu nhập bình quân đầu người.

Nhìn chung, các hàng hóa, dịch vụ được lựa chọn để “đánh” thuế tiêu thụ đặc biệt dựa vào các tiêu chí sau: Loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp vượt trên nhu cầu phổ thông của đời sống xã hội; Các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không có lợi cho sức khỏe của con người, tác động xấu đến môi trường, gây lãng phí cho xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa – xã hội.

Đồng thời lượng cầu tiêu dùng của loại hàng hóa, dịch vụ này thường biến động theo thay đổi của mức thu nhập chứ không hoàn toàn thay đổi theo biến động của giá cả...

MarketTimes: Theo ông, cần có biện pháp gì để giảm giá xăng dầu trong những trường hợp biến động tăng mạnh như vừa qua vì việc tăng hoặc giảm giá sẽ có tác động lớn đến mặt bằng giá cả thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Cần phải khẳng định trước, trong điều kiện giá xăng dầu trong nước được định đoạt theo giá thế giới, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước phải tăng theo, chúng ta không thể kéo giá trong nước giảm hơn giá thế giới được mà chúng ta chỉ có thể áp dụng các giải pháp tình thế nào đó để kiềm chế giá trong nước không tăng giá cao thôi.

Như chúng ta biết, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu gồm 3 bộ phận cấu thành gồm: giá thế giới chiếm tỷ trọng khoảng 50%, thuế các loại khoảng 40%, phần còn lại là chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp và Quỹ bình ổn giá.

Với cấu thành đó, giá thế giới như phân tích trên không thể giảm; Chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp dù có tiết giảm cũng không được nhiều. Như vậy dư địa để kiềm chế tốc độ tăng giá trong nước nhanh nhất và nhiều nhất chính là phụ thuộc vào mức chi Quỹ bình ổn giá và đặc biệt là việc giảm thuế để giảm giá cơ sở ở trong nước.

Vì vậy, trong những thời điểm giá thế giới tăng cao gây tác động bất lợi đến nền kinh tế (tăng trưởng, lạm phát...) cần thiết phải chấp nhận sự “đánh đổi” việc giảm thu ngân sách thông qua giảm thuế trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, để giảm giá xăng dầu, coi đó là một sự đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu... và bù lại có nguồn thu tăng hơn ở khâu đầu ra cuối cùng của nền kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu: Chưa nên bỏ nhưng có thể giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO