Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

PV | 10:38 21/04/2024

Sáng ngày 21/4, tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
Thủ tướng đánh giá, cao tốc Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị là tuyến cao tốc cuối cùng nối Cao Bằng-Lạng Sơn-Huế-Thành phố Hồ Chí Minh-Cà Mau và cũng là tuyến cuối khởi công của cao tốc Bắc-Nam

Sáu ý nghĩa trong xây dựng tuyến cao tốc

Phát biểu tại lễ khởi công Thủ tướng nêu rõ, dự án này là đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cuối cùng được khởi công, góp phần hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc xuyên Việt từ cửa khẩu Hữu Nghị mới mũi Cà Mau. Dự án này cũng là công trình cao tốc Bắc – Nam phía Đông duy nhất triển khai theo phương thức PPP được Chính phủ giao cho 1 địa phương (UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng cũng chỉ ra 6 ý nghĩa trong việc xây dựng tuyến cao tốc này đó là: Góp phần thực hiện mục tiêu Đại hộ Đảng XIII đề ra phát triển hạ tầng giao thông đến 2030; đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược; kết nối giao thông khu vực ASEAN, Trung Quốc, giữa vùng kinh tế Sông Hồng và miền núi phía Bắc, kết nối hai hành lang một vành đai với vành đai con đường của Trung Quốc, kết nối 4 địa phương Hà Nội-Lạng Sơn-Cao Bằng, Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh thông qua Quốc lộ 4B; mở rộng không gian phát triển mới của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hải Phòng; góp phần thực hiện chủ trương phân cấp phân quyền, tăng cường giám sát kiểm tra, phát huy tính tự lực tự cường của địa phương; thắng lợi thực hiện chủ trương PPP giữa Nhà nước-nhà đầu tư có sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Lạng Sơn, các bộ, ngành và nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục để triển khai Dự án theo đúng chỉ đạo; đồng thời tiếp tục quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công trình.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các nhà đầu tư cần triển khai Dự án đúng quy định, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng chính quyền địa phương quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đặc biệt là những người đã nhường đất cho Dự án.

screen-shot-2024-04-21-at-09.58.59.png
Cao tốc có chiều dài gần 60km, tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn cho biết, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, được đầu tư theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, với chiều dài 59,87 km, kết nối trực tiếp cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, hiện đang triển khai thi công; đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung; từng bước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông, đường bộ cao tốc của Việt Nam, thời kỳ 2021 - 2030.

Tuyến hoàn thành, sẽ là cầu nối quan trọng, của tuyến hành lang kinh tế, Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra, hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế, để Việt Nam, là cửa ngõ, giao lưu thương mại với Trung Quốc, và khu vực Đông Nam Á. Góp phần liên kết, phát triển nhanh, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn, như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, Đồng Đăng - Lạng Sơn, tạo động lực, để tỉnh Lạng Sơn, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, và trở thành, một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, của vùng Trung du, và miền núi Bắc Bộ.

Xoá thế "đường cụt" cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Đèo Cả, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn những vướng mắc kéo dài về phương án tài chính bởi cho đến thời điểm hoàn thành vẫn chưa có vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Cùng với với các nguyên nhân khách quan như cắt giảm trạm thu phí, giảm giá vé… dẫn đến doanh thu thực tế rất thấp, hiện nay chỉ đạt khoảng 32% so với PATC ban đầu. Ngân hàng cung cấp tín dụng dừng giải ngân. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu tham gia vào dự án.

Việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các Dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ.

khoi-cong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn nút khởi công dự án

Khi Dự án gần như rơi vào bế tắc, ngày 16/1/2023, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng đã yêu cầu quay lại làm việc ngay với tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Điều đó khẳng định đối với những Dự án đầu tư PPP khó khăn nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt sự ủng của nhân dân thì chắc chắn “Khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành ” như lời của Bác đã nói.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Để đi đến mốc khởi công dự án, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai dự án sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước nhưng Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”. “Chúng tôi sẽ lấy công trường Dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ Bim để quản lý chất lượng và tiến độ Dự án…”.

Dự án tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng có tổng chiều dài 60km, trong đó đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m và đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án 5.495 tỷ đồng (gồm 3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.

Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả-Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568-Công ty Cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO