Thủ tướng đề nghị tham gia việc lớn của đất nước, các tỷ phú Việt Nam nói gì?

Tuệ Giang | 13:41 10/02/2025

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Thủ tướng đề nghị tham gia việc lớn của đất nước, các tỷ phú Việt Nam nói gì?
Thủ tướng trao đổi với các danh nghiệp - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sáng 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã có những chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng, các sáng kiến, cách làm mới, thể hiện tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, các đề xuất táo bạo giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, từ đó phát huy tối đa mọi sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, Tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

THACO đã hoàn thành cầu Ba Son kết nối từ trung tâm TPHCM sang Thủ Thiêm. Bốn tuyến đường hoàn thành cơ bản, chỉ còn vướng mặt với tháo gỡ rất quyết liệt của Chính phủ, ông Dương cho biết cố gắng đồng hành cùng với TPHCM để triển khai nhanh chóng.

Còn theo Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, trong kế hoạch 2025- 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho DN.

Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Do đó Chủ tịch Hòa Phát rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Hòa Phát sẽ đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường đồng thuận với quan điểm trên, cho rằng với đường sắt cao tốc, đường giao thông, cơ quan quản lý phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng có cơ sở cho vay tiền. Ví dụ với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10.000 tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì cần vay thêm ngân hàng. Do đó, quan trọng nhất vẫn là cơ chế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ. Mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên.

Ông Trương Gia Bình đề nghị "bình dân AI vụ", nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Chủ tịch FPT khẳng định có thể trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, đưa cả vào lớp 1, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…

Liên quan tới vấn đề giá điện, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) đề xuất phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời trên hồ trong quy hoạch điều chỉnh điện VIII.

Đại diện REE đề nghị ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và không cần đàm phán mất nhiều thời gian mà chưa chắc đưa ra được quyết định về giá. Bởi trên một địa bàn mỗi doanh nghiệp đầu tư có cách và công nghệ khác nhau và suất đầu tư khác nhau. Không để trên một địa bàn mà trên suất đầu tư đó lại có giá điện khác nhau. Chúng tôi mong muốn cần ban hành giá điện cho từng loại hình doanh nghiệp, giá điện đó phải thu hút nhà đầu tư và phù hợp với nền kinh tế.

Nhân dân chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân. Về các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng giao VPCP tổng hợp, các Bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý ngay với tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm quan trọng, những lúc đất nước gặp khó khăn như đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ… Theo Thủ tướng, những lúc như vậy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn sẵn sàng đóng góp và các đại biểu dự Hội nghị ai cũng có đóng góp

Về các băn khoăn, trăn trở, Thủ tướng cho rằng băn khoăn, trăn trở nhất mà nhiều đại biểu để cập là việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Chúng tôi cam kết rà soát lại việc này, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí logistics và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: "Chính phủ, bộ ngành, địa phương "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước có khát vọng, Nhân dân mong muốn và chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển".


(0) Bình luận
Thủ tướng đề nghị tham gia việc lớn của đất nước, các tỷ phú Việt Nam nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO