Thủ tướng đã nắm được danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành lượng trái phiếu lớn

Lê Sáng | 16:31 02/06/2022

Theo số liệu từ Bộ Tài Chính, 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất đã chiếm gần 50% tổng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành trong năm 2021 và phần lớn "điểm rơi" áp lực trả nợ trái phiếu vào năm 2024.

Thủ tướng đã nắm được danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành lượng trái phiếu lớn
Top 10 Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất trong năm 2021.

Thậm chí, có doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu cao gấp 47 lần vốn chủ sở hữu.

Phát hành gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu

Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng mới đây đã chỉ ra 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.

Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu phát hành của 20 doanh nghiệp này năm vừa qua đạt trên 100.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản trong năm.

Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua gồm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas...

Ngoài danh sách 10 doanh nghiệp nói trên, một loạt doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn năm vừa qua là những nhà phát triển bất động sản lớn trên thị trường, như Công ty CP Tập đoàn Địa ốc No va (Novaland) phát hành 6.938 tỷ đồng; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỷ; Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (TNR Holdings) phát hành 4.000 tỷ; Nhóm 3 công ty thuộc Sunshine Group (Công ty CP Sunshine Homes, Công ty CP Sunshine AM, Công ty CP kinh doanh nhà Sunshine) phát hành tổng cộng 10.100 tỷ đồng…

Đáng chú ý, trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua đã nhiều doanh nghiệp phát hành với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.

Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần; Công ty CP Kinh doanh Nhà Sunshine gấp 7,3 lần…

Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020.

Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% so với năm liền trước. Nếu tính riêng quý I năm nay, khối lượng phát hành riêng lẻ là 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong những năm gần đây, cùng với nhóm tổ chức tín dụng, bất động sản thường xuyên là nhóm doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất. Riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành lên tới hơn 212.000 tỷ, trong khi khối lượng phát hành trong quý I/2022 cũng là hơn 47.000 tỷ đồng.

Áp lực trả nợ đạt đỉnh vào năm 2024

Trong một báo cáo mới đây do FiinRatings công bố, đơn vị này đã chỉ ra lo ngại về áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới đây, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản.

103916_-no-trai-phieu-1.jpg

Theo đó, cập nhật dữ liệu cập nhật từ 744 mã trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành được công bố trên HNX đến ngày 31/12/2021 cho thấy quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn ngành Bất động sản hiện khoảng 189 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và số liệu của FiinRatings chỉ ra rằng 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 - 2024).

Cụ thể, năm 2022 sẽ có 33,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán; Năm 2023 là 39,5 nghìn tỷ đồng; Năm 2024 là 64,9 nghìn tỷ đồng; Năm 2025 là 28,8 nghìn tỷ đồng và năm 2026 là 13,8 nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dần hồi phục sau Covid-19 và trước những thay đổi pháp lý với những sự kiện siết chặt hoạt động phát hành mới gần đây sẽ phần nào có tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng.

Ngoài ra, áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp hoặc có vấn đề.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Anh – Chuyên gia cấp cao, Phân tích Rủi ro Tín dụng, Khối Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings, FiinGroup cho rằng những rủi ro như “Evergrande” tại Việt Nam sẽ có khả năng được kiểm soát. Các doanh nghiệp “có vấn đề” cần được xử lý khu trú và quyền lợi của nhà đầu tư trong các lô trái phiếu liên quan đến các doanh nghiệp trên được bảo vệ thông qua thu hồi gốc và lãi với lộ trình minh bạch và rõ ràng.

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan trong thời gian tới cần cân nhắc mức độ ảnh hưởng theo hướng vừa phải, có sự phân loại theo các tiêu chí kỹ thuật ví dụ tùy mức độ đòn bẩy tài chính hiện có của tổ chức phát hành thay vì siết điều kiện phát hành toàn cục, ông Nguyễn Tùng Anh nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng đã nắm được danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành lượng trái phiếu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO