Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng thu NSNN thực hiện tháng 5 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán và 62,1% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (166,5 nghìn tỷ đồng/tháng); lũy kế thu NSNN 5 tháng ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Trong đó, thu NSTW đạt khoảng 51,2% dự toán, thu NSĐP đạt khoảng 43,2% dự toán.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 80,7 nghìn tỷ đồng, đạt 6,1% dự toán, bằng 57,9% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (139,5 nghìn tỷ đồng/tháng). Thu từ dầu thô ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 92 USD/thùng, tăng 22 USD/thùng so với giá dự toán.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 29 nghìn tỷ đồng, bằng 6,8% dự toán và 93,2% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (31,1 nghìn tỷ đồng/tháng).
Theo Bộ Tài chính, dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng đang trong xu hướng giảm, thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán.
Tổng kết thu ngân sách, nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước, thì số thu nội địa 5 tháng bằng khoảng 97,1 % so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35,5% so cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thu chi ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn.
"Việc thu ngân sách nhà nước cần đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời để làm sao 6 tháng đầu năm và tới 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán Quốc hội giao về thu chi ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Đức chi nói.
Năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng.