Cụ thể, UBND thành phố trình HĐND duyệt chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật - 8 km) với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng.
Theo UBND TP, việc thực hiện dự án là cần thiết, giải quyết ô nhiễm môi trường tại rạch Xuyên Tâm, giải quyết vấn đề thu gom nước mưa và hạn chế ngập úng, giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm.
Dự án sẽ cải tạo toàn bộ tuyến rạch chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật với 6,6km và 3 tuyến rạch nhánh gồm rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu với 2,2km.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng kè bảo vệ bờ, hệ thống thu gom nước thải, đường giao thông ven rạch có 2 làn xe mỗi bên, xây dựng mảng xanh và hạ tầng kỹ thuật với 11ha.
Công trình sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo hai giai đoạn. Từ 2021 đến 2025, thành phố sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trước đây được TP.HCM dự tính đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 20 năm dự án vẫn chưa thể triển khai, hình thức đầu tư này sau đó bị đánh giá không khả thi. Tháng 8/2019, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương đầu tư dự án này từ ngân sách thành phố.
Đối với dự án làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, thành phố sẽ chi 5.936 tỷ đồng ngân sách giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hơn 5.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; 35 tỷ đồng cho các chi phí chuẩn bị dự án và sẽ được nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả lại ngân sách.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 16.700 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Trong đó, nhà đầu tư dự kiến thu phí hoàn vốn trong 18 năm một tháng, còn nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ ngân sách TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Công trình thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Theo kế hoạch, các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành quý 3/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý 2/2024. Mặt bằng được giải phóng trong hai năm tiếp theo và thi công hoàn thành dự án trong ba năm, từ 2024 đến 2027.
Được biết, Dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi đến tuyến song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối nối vào quốc lộ 22.
Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM gồm 8 làn xe, đoạn còn lại thuộc tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km.
Tuyến đường đi qua hai địa phương, nhưng TP.HCM được giao chủ trì thực hiện. Đây là công trình được đánh giá rất quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải quốc lộ 22.
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khoá X diễn ra trong ba ngày từ ngày 7-9/12. Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm tới; thu, chi ngân sách; dự án thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất... Thường trực HĐND thành phố báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị.
Phần lớn thời lượng của ngày làm việc thứ hai dành cho phiên chất vấn Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ và Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo. Ngày cuối, các đại biểu sẽ thông qua khoảng 30 nghị quyết và biểu quyết bầu bổ sung một số Uỷ viên UBND TP.HCM.