Thống đốc NHNN: "Không khuyến khích người dân giữ vàng"

An Diệp | 12:47 11/11/2024

Chia sẻ với nhận định “vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định "không khuyến khích người dân giữ vàng, nhất là vàng miếng".

Thống đốc NHNN: "Không khuyến khích người dân giữ vàng"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

thong-doc-nhnn-1.jpg
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 11/11/2024. Ảnh: Media Quốc hội

Chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh dẫn báo cáo về thị trường vàng đề cập một trong những tồn tại là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

"Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Thanh chất vấn.

dai-bieu-tran-thi-hong-thanh.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng "đây là câu hỏi rất hay" và đồng tình với nhận định của đại biểu.

"Chúng ta chống vàng hóa, đôla hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phân tích.

Vì vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy mới có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải thích

Để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm, theo bà Hồng, các nước có nhiều giải pháp. Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.

Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu 'hoa mắt chóng mặt'

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn tỉnh Thanh Hóa nêu thực trạng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá cao, cho thấy thị trường chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro tác động tới thị trường ngoại hối. Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu "hoa mắt chóng mặt".

duong-khac-mai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Media Quốc hội

"Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để người dân yên tâm sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng?", ông Mai chất vấn trước Quốc hội.

Trả lời chất vấn trên của đại biểu Dương Khắc Mai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ hiện "vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới".

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNNcũng thông tin, trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300-2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. So với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%.

Cụ thể, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng.

Tuy vậy, giá vàng chưa ổn định, Thống đốc NHNN giải thích do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế.

Thống đốc NHNN khẳng định nhà điều hành theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết.

Cơ quan này cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

Về lâu dài, Thống đốc NHNN cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.

Liên quan tới việc khi vàng miếng SJC điều chỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng thay đổi theo, Thống đốc NHNN giải thích thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại. Với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, họ phải tính toán để không chịu rủi ro khi chỉ là trung gian mua bán.

Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay doanh nghiệp không được vay để mua vàng, nên họ cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro. Bản thân Ngân hàng Nhà nước khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước cũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", Thống đốc NHNN khuyến cáo.

"Thị trường vàng rất phức tạp, đầu tư có thể rủi ro"

Tranh luận trước Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa nói vấn đề ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại từ người dân là "vấn đề hệ trọng". Thị trường vàng, các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán chợ đen.

"Vậy tại sao ngân hàng bán lại không mua để thuận lợi cho người dân. Người ta cần tiền thì phải mua lại để họ còn sử dụng, lưu thông", ông Hòa đặt vấn đề.

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội

Giải đáp vấn đề trên, Thống đốc NHN Nguyễn Thị Hồng cho biết tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng thì không như ngoại tệ. Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp.

"Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng cho biết 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch. Việc không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng rất cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.

"Mua giá vàng của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.


(0) Bình luận
Thống đốc NHNN: "Không khuyến khích người dân giữ vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO