Thời “hoàng kim” tiêu 2-3 triệu/ngày không cần nghĩ, lúc không kiếm ra tiền mới biết trân trọng "mồ hôi công sức của mình”

Ngọc Linh | 11:23 03/04/2024

“Chỉ biết tự trách mình thôi, không trách ai được cả, việc thất nghiệp cũng thế”.

Thời “hoàng kim” tiêu 2-3 triệu/ngày không cần nghĩ, lúc không kiếm ra tiền mới biết trân trọng "mồ hôi công sức của mình”

“Đã từng” sẽ là một cụm từ buồn, nếu theo sau nó là một tính từ miêu tả sự tích cực. Trải qua một lần “đã từng” kiểu ấy chắc hẳn cũng không dễ dàng gì, vậy mà Hoàng Giang (29 tuổi, hiện đang làm Kỹ sư Tự động hóa) lại cùng lúc hứng trọn combo: Đã từng hạnh phúc, đã từng tự tin, đã từng nhiều tiền.

2-3 triệu từng chỉ là số lẻ, tiêu cả chục triệu trong 1 tuần là chuyện bình thường

Sau khi tốt nghiệp Đại học vào năm 2017, Hoàng Giang chẳng tốn nhiều thời gian để được nhận vào một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Á, có trụ sở tại Hà Nội. Cao ráo, gương mặt vuông góc cạnh cùng vẻ ngoài chỉn chu giúp Hoàng Giang còn kiếm thêm được công việc tay trái, là mẫu ảnh cho các shop thời trang nam.

Năm 2019, thu nhập hàng tháng của Hoàng Giang dao động trong khoảng 25-28 triệu đồng. 

e23a47953be29a09770a0c4a01bd2a8b(1).jpg
Ảnh minh họa

“Hồi sinh viên mình không đến mức mọt sách, nhưng cũng ít trải nghiệm vì học hành bận quá. Thế nên khi đi làm, kiếm được tiền, mình chỉ nghĩ đến việc ăn chơi để “bù” cho những năm tháng sinh viên ít trải nghiệm” - Hoàng Giang chia sẻ.

Cách Hoàng Giang “bù đắp” trải nghiệm cho bản thân chính là cùng bạn gái đi du lịch mỗi tháng 1 lần. Một tuần có 7 buổi tối thì phải tới 4-5 buổi là hai người sẽ hẹn hò, không “đu đưa trong bar pub” thì cũng dừng chân ở những tiệm steak sang chảnh mà hóa đơn mỗi bữa thường không dưới 1,5 triệu đồng.

“Hồi đó 2-3 triệu chỉ là số lẻ trong thu nhập của mình thôi. Chi 2-3 triệu cho 1 buổi tối hẹn hò cùng bạn gái không phải vấn đề với mình. Có tuần mình tiêu 8-9 triệu mà đến cuối tháng vẫn còn dư mấy triệu cơ”.

Hoàng Giang kể và cho biết bản thân cảm thấy mãn nguyện với việc mình tận hưởng cuộc sống mà vẫn còn dư chút tiền cuối tháng. Với số dư ra ấy, anh cũng để yên nó trong tài khoản thanh toán, không gửi tiết kiệm cũng chẳng mang đi đầu tư.

Thế rồi biến cố đầu tiên ập tới: Tháng 4/2020, Giang mất toàn bộ job mẫu ảnh do giãn cách xã hội, đồng nghĩa với thu nhập giảm khoảng 60%.

b2efb66b62bce86e0c37a9f0a92b9eaa.jpg
Ảnh minh họa

“Trung bình 1 tháng mình phải chụp 8-10 bộ ảnh cho các shop thời trang, nên gọi là việc tay trái thôi chứ nó cũng chiếm tới 60% thu nhập của mình” - Giang bộc bạch.

Anh và bạn gái cũng chia tay không lâu sau đợt giãn cách đầu tiên ấy. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, Giang gần như mất tất: Cả tình yêu lẫn nguồn thu nhập từ công việc “tay trái”.

Cạn tiền mới biết trân trọng đồng tiền do chính mình kiếm ra!

Đầu năm 2022, Giang nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. Theo lời anh chia sẻ, đó mới là khoảnh khắc “chạm đáy”.

“Mình được nhận trợ cấp 3 tháng lương và đó khoản tiền duy nhất mình có để trang trải cuộc sống cho đến khi tìm được việc mới. Trước khi thất nghiệp, mình vẫn giữ thói quen chi tiêu như xưa, nên chẳng dư đồng nào. Dù 3 tháng lương trợ cấp của công ty đủ để mình trang trải chi phí sống cơ bản như tiền thuê nhà, ăn uống trong 4 tháng.

Nhưng mình quen tiêu xài xả láng rồi, nên khoảng 1 tháng đầu, mình vật vã kinh khủng. Không đi ăn đi chơi thì buồn, mà đi ăn đi chơi thì chẳng biết có đủ tiền mà sống cho đến khi tìm được việc không” - Hoàng Giang kể lại.

ce317dd31bb9a8baacd99e0b6849d9c9.jpg
Ảnh minh họa

Người ta vẫn thường bảo phải đi làm mới biết trân trọng đồng tiền, vì đó là mồ hôi công sức của mình, nhưng phải đến tận khi không kiếm được tiền nữa, Giang mới thấm thía việc đó.

“Lúc đó mình nhận ra mình chẳng trách ai được cả, chỉ biết tự trách mình thôi, việc thất nghiệp cũng thế. Giả như mình không ham ăn chơi quá, bớt tham kiếm tiền để đi chụp ảnh ít lại, tập trung cải thiện hiệu suất thì có khi cũng không bị mất việc” - Hoàng Giang thừa nhận.

Đến tháng thất nghiệp thứ 2, anh quyết tâm “làm lại cuộc đời” bằng cách chuyển tới phòng trọ của bạn thân ở, hai người chia nhau tiền nhà để giảm chi phí. Mỗi tuần đi đá bóng 3 buổi để cắt đứt những dòng suy nghĩ tiêu cực, dày vò bản thân; vẫn ăn ngoài nhưng chỉ là 3 bữa/tuần thay vì 21 bữa/tuần như xưa.

ff6dba0f1960c2f59202268f0b305f80.jpg
Ảnh minh họa

Khi 3 tháng lương trợ cấp nghỉ việc của công ty còn khoảng 4 triệu thì Giang tìm được việc mới, với mức lương gần bằng lương ở công ty cũ. Tính ra, anh thất nghiệp khoảng 3,5 tháng - trộm vía không chậm “deadline tìm việc mới”.

“Giờ thì mình chi tiêu đỡ phung phí hơn ngày xưa rồi, chưa hẳn là đã biết quản lý chi tiêu đâu, nhưng ít nhất cũng đã biết trích 45% thu nhập để gửi tiết kiệm” - Hoàng Giang chia sẻ và cho biết thêm nếu bây giờ không may thất nghiệp, anh có thể tự tin sống trong vòng 8 tháng, chứ không còn nơm nớp lo sợ như xưa.

Nhìn lại khoảng thời gian tiêu tiền như nước của mình, ngoài việc ngộ ra tầm quan trọng của tiết kiệm, Hoàng Giang còn thấm thía câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

“Mình gần như không còn đi làm mẫu ảnh nữa, vì muốn tập trung cho công việc chính. Làm mẫu ảnh không tốn sức, không tốn “não”, thu nhập cũng khá nhưng đổi lại là mình không còn thời gian để nâng cấp kiến thức lẫn kỹ năng của bản thân trong ngành mình đang làm việc. Ngày xưa vì ham muốn kiếm nhiều tiền mà mình lơ là công việc chính, nên mới thất nghiệp. Giờ đủ chín chắn để nhận ra đâu mới là công việc có tiềm năng giúp mình kiếm tiền lâu dài, nên phải tập trung cho nó thôi” - Hoàng Giang chia sẻ.


(0) Bình luận
Thời “hoàng kim” tiêu 2-3 triệu/ngày không cần nghĩ, lúc không kiếm ra tiền mới biết trân trọng "mồ hôi công sức của mình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO