Ngành Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng. Với GMV năm 2022 đạt mốc 14 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thậm chí ở mức cao hơn và lên đến 37% hàng năm, đưa GMV của ngành đạt con số 32 tỷ USD trong 3 năm tiếp theo. Với tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn hẳn so với tăng trưởng GDP, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Trong suốt 1 thập kỷ, thị trường chứng kiến những nỗ lực "đốt tiền" vào khuyến mãi, giảm giá không ngừng nghỉ của nhiều nền tảng TMĐT. Cuộc cạnh tranh gay gắt suốt nhiều năm đã góp phần mạnh mẽ giúp "educate" (giới thiệu, giáo dục) người dùng, thanh lọc nhiều "tay chơi", cũng như thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo thống kê, trong 9 tỷ USD giao dịch qua 5 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam năm 2022 thì tới 86% thuộc Shopee và Lazada. Trong đó Shopee chiếm 63% và Lazada chiếm 23%. Ba sàn là Tiki, TikTok Shop và Sendo chia nhau 14% thị phần còn lại. Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á" của công ty tư vấn và quản lý đầu tư công nghệ Momentum Works (Singapore) giữa tháng 6/2023.
Tới thời điểm hiện tại, khi thị trường đã bước vào giai đoạn bùng nổ, người Việt trở nên quen thuộc với việc mua bán online, thì cách thức thu hút khách hàng dựa trên voucher, khuyến mãi sẽ không đảm bảo con đường phát triển có lãi và bền vững cho các nền tảng.
Thay vào đó, bài toán phát triển giờ đây đã xoay trục sang việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo công nghệ và tối ưu hóa việc vận hành, đặc biệt là logistics. Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2023 do VCCI và Lazada phối hợp thực hiện cũng nhấn mạnh, hệ thống Logistics hiệu quả sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp TMĐT, giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng cũng như gia tăng trải nghiệm mua sắm.
Hiện chi phí Logistics tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao (chiếm 10-20% giá thành sản phẩm), trong khi con số này ở các nước tiên tiến chỉ khoảng 7-9%. Cần thiết phải áp dụng các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ trước – trong - sau giao hàng nhằm tăng hiệu suất, tối ưu chi phí cho toàn chuỗi, giảm phát thải ra môi trường.
Thống lĩnh thị phần tại Việt Nam và vẫn tiếp tục cạnh tranh lẫn nhau, cả hai ông lớn Shopee và Lazada đều đang đầu tư cực kỳ mạnh tay cho logistics.
Lazada - Xây kho phân loại hàng quy mô xử lý hơn 1 triệu bưu kiện/ngày
Trong hơn một thập kỷ qua, Lazada đã có nhiều hoạt động đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại và bền vững. Tại Việt Nam, Lazada Logistics sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000 m2. Đến nay, nền tảng thuộc “gã khổng lồ” Alibaba đã xây dựng nhiều trung tâm chia chọn khác nhau tại TP.HCM và Hà Nội, cùng mạng lưới hàng trăm bưu cục trải khắp các tỉnh thành.
Mới đây nhất, đầu năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu chìm sâu trong "mùa đông" suy thoái hậu Covid, tại Việt Nam, Lazada đã chính thức đưa vào vận hành kho phân loại hàng hóa tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Trung tâm Logistics mới này có quy mô lớn tới 19.000m2, khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy), giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng.
Lazada Logistics Park Sóng Thần được trang bị hệ thống băng chuyền hiện đại 2 tầng với công suất xử lý 45.000 bưu kiện mỗi giờ.
Cơ sở hạ tầng logistics cùng hơn 3.000 nhân viên giao hàng đã giúp Lazada làm chủ quy trinh giao vận của mình, đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, rút ngắn thời gian giao hàng.
Bên cạnh đó, Lazada còn dành một khoản đầu tư vào Lazada Logistics Park. Sàn TMĐT này đang triển khai chương trình giao hàng vào ngày hôm sau. Nếu như trước đây, khi công đoạn chia chọn lâu hơn, hàng hóa sẽ phải nhận từ phía nhà giao hàng sớm hơn, vào 14-15h. Tuy nhiên với hệ thống mới tại Lazada Logistics Park, việc nhận hàng có thể diễn ra muộn hơn, vào 16-17h mà vẫn kịp đưa về kho chia chọn.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics - Lazada Việt Nam, Trung tâm phân loại Lazada Logistics Park không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung.
Shopee - Lập trung tâm phân loại hàng xử lý 2,5 triệu đơn/ngày
Cùng lúc đó, đối thủ "nặng ký" Shopee cũng đã có những động thái tương tự. Đầu tháng 9/2023, Shopee Express (SPX) đã khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa tại Bắc Ninh, với khả năng xử lý tới 2,5 triệu đơn hàng/ngày, dự kiến sẽ đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn 2. Khả năng phân loại tại đây đạt độ chính xác lên đến 99,97%. Theo tìm hiểu, đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX tại khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm mới của SPX nằm sát Quốc lộ 1A trên ranh giới giữa huyện Gia Lâm, Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chia chọn SPX sở hữu vị trí đặc biệt thuận lợi cho hoạt động logistics khi chỉ cách cửa ngõ thủ đô 16 km, cách Sân bay Nội Bài 55 km, cách cảng Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn chỉ hai tiếng di chuyển bằng đường bộ.
Việc đặt trung tâm phân loại hàng hóa của SPX tại đây có thể khai thác tối đa điểm mạnh của địa phương là nơi có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc top đầu cả nước cùng lợi thế về mặt địa lý nằm gần thành phố Hà Nội, cảng Hải Phòng và cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng cường dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới của mình.
Đối với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao vận như SPX, nút giao chiến lược này có thể giúp hàng hoá dễ dàng lưu thông và phân phối, vận chuyển qua nhiều tuyến vận tải khác nhau trong khu vực nội địa hoặc xuyên biên giới thông qua đường bộ hay đường hàng không.
Quá trình xử lý hàng hóa và những công nghệ hiện đại đang được áp dụng tại SPX Bắc Ninh bao gồm: Hệ thống băng tải tự động chuyển hàng trực tiếp từ xe tải vào khu vực phân loại; Khu vực ma trận tự động đo kích thước 3 chiều và cân nặng của kiện hàng với camera 6 chiều; Khu vực chia chọn có độ chính xác lên đến 99.97% áp dụng công nghệ hiện đại; Hệ thống tiếp nhận tự động; Quy trình xuất hàng tự động hóa với hệ thống cảm biến tại cửa ra tránh tình trạng quá tải hoặc tràn máng… tạo ra một quy trình phân loại hàng hóa chính xác và nhanh chóng, bảo đảm hàng hóa được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất.
Kết hợp với công nghệ tự động hoá hiện đại, trung tâm phân loại mới sẽ giúp SPX tăng hiệu suất hoạt động, đảm bảo hàng hoá được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất, qua đó hỗ trợ người bán tối ưu hoá quy trình bán hàng và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Bà Nguyễn Kim Anh - Giám đốc SPX, chia sẻ: “Việc khánh thành trung tâm phân loại hàng Bắc Ninh đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của SPX. Trung tâm phân loại mới này ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của ngành TMĐT và nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc, đồng thời còn là cầu nối giúp sản phẩm từ các nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy hơn".
Shopee, Lazada gây áp lực giá lên các công ty chuyển phát trong logistics chặng cuối (last mile)
Việc các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada chú trọng phát triển các dịch vụ logistics nội bộ và thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác đã dẫn đến áp lực giá đối với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính.
Cả Shopee và Lazada đều đang sở hữu hàng ngàn điểm gửi hàng (Drop-off Point) trên diện rộng thông qua việc liên kết với các đối tác, hàng trăm điểm nhận hàng (Collection Point) và hệ thống tủ khóa thông minh (Smart Locker), đảm bảo việc giao hàng thông suốt và nhanh chóng nhất đến hàng triệu khách hàng trên toàn quốc.
Trong báo cáo mới đây về thị trường Logistics chặng cuối (last mile) tại Đông Nam Á, ông Trường Bùi - Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam - nhận định bước chuyển đổi của thị trường Logistics chặng cuối sẽ được dẫn dắt bởi sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, tốc độ đô thị hóa và mức thu nhập tăng của người tiêu dùng. Những động lực này thúc đẩy nhu cầu cao hơn đối với các giải pháp giao hàng tận nơi.
Bên cạnh đó, thị trường giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính ở Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến giá cả khốc liệt tương tự như những gì Trung Quốc đã trải qua trong những năm gần đây.
Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam nhận định tương lai cho thị trường logistics chặng cuối (Last mile) ở Đông Nam Á sẽ mở rộng các ứng dụng tiến bộ như tủ khóa thông minh để giao nhận hàng, phân tích xu hướng để dự đoán nhu cầu và tăng cường các tuyến giao hàng, và cuối cùng là sự kết hợp của máy bay không người lái và phương tiện tự động trong giao hàng.
"Sự thay đổi về nhu cầu và động lực của thị trường đang khiến các công ty trong ngành phải suy nghĩ lại về các dịch vụ cung cấp – mở rộng hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị là một xu hướng chung", ông Trường Bùi cho biết.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố.
-----
Với những nỗ lực tạo ra đổi thay cho ngành TMĐT, Shopee và Lazada đều lọt vào danh sách đề cử hệ thống giải thưởng Better Choice Awards 2023 - Giải thưởng tôn vinh đổi mới sáng tạo phục vụ lợi ích người tiêu dùng do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức cùng VCCorp.