Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới liên tiếp giảm suốt 4 phiên đầu tuần nhưng bất ngờ bật tăng trong ngày 16/6 do đồng USD suy yếu.
- Giá vàng miếng SJC trong nước ổn định ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng bán ra.
Ngày 12/6, giá vàng thế giới ghi nhận ở mức 1.960,75 USD/ounce, tương đương 55,64 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng thế giới trượt dốc trong các phiên giao dịch đầu tuần khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại và giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang chậm lại trong tháng 5.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 4% trong tháng 5 - mức tăng hàng năm thấp nhất 2 năm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Giá vàng thường biến động ngược chiều USD nhưng sau khi Mỹ công bố báo cáo CPI tháng 5, cả kim loại quý lẫn đồng bạc xanh đều suy yếu.
“Giá vàng không thể giữ được đà tăng sau khi CPI tăng giá vì lo ngại sự dai dẳng của lạm phát lõi sẽ khiến dự báo lãi suất Fed sắp đưa ra có số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ít hơn so với kỳ vọng của thị trường” - Tai Wong, nhà giao dịch kim loại quý ở New York nhận định.
Ngày 15/6, giá vàng thế giới ghi nhận giao ngay ở mức 1.945,19 USD/ounce, khoảng 55,15 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng thế giới 7 ngày qua.
Theo Kitco, giá vàng đi xuống sau khi Fed công bố giữ nguyên lãi suất nhưng dự báo còn 2 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay. Theo công cụ CME Fedwatch, giới đầu tư đặt cược 70% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7.
Ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda cho rằng ngay cả khi Fed đã sắp hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, thị trường vàng vẫn sẽ đứng trước lực cản lớn nếu chứng khoán tiếp tục đi lên và tranh giành dòng vốn đổ vào kim loại quý, vốn là tài sản trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới bất ngờ tăng lên mức 1.958,18 USD/ounce trong phiên giao dịch 16/6 sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất điều hành khiến USD yếu đi đáng kể so với euro.
Cùng lúc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất của các khoản vay chính sách trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng, khi quốc gia này tăng cường các biện pháp kích thích để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Rhona O'Connell, Nhà phân tích của StoneX cho biết: “Thị trường vàng đang cho thấy một số dấu hiệu phục hồi nhẹ nhưng động lực chính ở đây vẫn là triển vọng về chu kỳ tăng lãi suất của Fed”.
Giá vàng trong nước ổn định
Sáng ngày 12/6, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC là 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng bán ra. Dù giảm nhẹ trong 2 phiên tiếp theo nhưng giá vàng SJC đã phục hồi và tiếp tục duy trì mức giá trên.
Những ngày qua, thị trường vàng trong nước ảm đạm cả về sức mua lẫn nhu cầu giao dịch. Ghi nhận tại nhiều tiệm vàng hiện nay, nhu cầu mua vào của nhà đầu tư vẫn thấp dù giá vàng đứng im, do kinh tế khó khăn và kênh đầu tư vàng chưa đủ hấp dẫn.
Ngày 14/6, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,5 triệu đồng/lượng mua vào và 56,45 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng trang sức, vàng nhẫn khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Ngày 16/6, vàng miếng SJC giữ nguyên mức giá so với phiên đầu tuần. Cùng ngày, giá vàng 24K tại các hệ thống cửa hàng được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/lượng đến 300.000 đồng/lượng so với phiên trước đó, lên mức 56 - 56,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ đầu năm đến nay, vàng SJC đứng im quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nên mua vào để chờ thời điểm tăng giá dịp cuối năm khi nhu cầu mua vàng lớn. Tuy nhiên, giá vàng SJC chỉ có khả năng tăng mạnh lên mốc 69 triệu đồng/lượng rồi lao dốc nếu không có các thông tin tích cực hỗ trợ đi kèm.