Nội dung chính:
Giá vàng thế giới tăng mạnh sau báo cáo lạm phát Mỹ.
Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới, cố thủ mức 67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng “phi mã” vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần 28 – 29/11, vàng thế giới giảm nhẹ trong khi đồng USD tăng giá trở lại sau những phát biểu cứng rắn của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định quyết tâm chống lạm phát.
Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell phát biểu rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ tăng lãi suất chậm lại từ cuộc họp tháng 12, đã khiến giá vàng thế giới tăng dữ dội.
Là tài sản không lãi suất, mặt bằng lãi suất càng cao, vàng càng trở nên kém hấp dẫn và giảm giá và ngược lại. Thông điệp giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed vì vậy đã giúp giá vàng tăng trở lại.
Theo quy đổi, giá vàng thế giới trong phiên ngày 1/12 tương đương 53 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với 1 ngày trước đó.
Như vậy, đà giảm 7 tháng liên tiếp của giá vàng đã bắt đầu chấm dứt từ tháng 3/2022. Giá vàng đã tăng hơn 8% kể từ tháng 3. Tháng 11 cũng đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020 nhờ các phát biểu gần đây của nhiều quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất chậm lại.
Tiếp đà tăng mạnh, giá kim loại quý trong ngày 2/12 tăng bùng nổ vượt mốc 1.800 USD/ounce. Động lực cho sự tăng giá này là việc USD bị bán tháo quá dài khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ tốt lên.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCI) tháng 11/2022 của Mỹ chỉ tăng 6%, giảm 0,3 điểm % so với tháng trước. Chỉ số sản xuất PMI tháng 11 của Mỹ chỉ còn 49 điểm, giảm 1,2 điểm so với tháng trước, cho thấy sản xuất bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Theo quy đổi, giá vàng thế giới trong phiên ngày 2/12 tương đương 54,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 ngày, giá kim loại quý này đã tăng hơn 1 triệu đồng/lượng.
Mặc dù vàng thế giới tăng mạnh trong tuần nhưng quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust lại quay đầu bán ròng. Tổng cộng quỹ này đã xả 2,5 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn khoảng 906,5 tấn.
Giá vàng trong nước ngược dòng tăng mạnh của vàng thế giới
Tuần qua, giá vàng miếng SJC có 4/5 phiên giảm giá, bất chấp việc giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ.
Triển vọng không mấy khả quan khi ngay trong phiên đầu tuần (28/11), giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm. Cụ thể Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,4 triệu đồng/lượng bán ra, giá mua vào không đổi nhưng giá bán ra giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Trong khi giá vàng thế giới tăng 200.000 đồng/lượng trước giờ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ông Jerome Powell phát biểu ở phiên cuối tháng 30/11, thì giá vàng miếng SJC trong nước lại giảm 200.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn được hưởng lợi tích cực từ giá vàng thế giới trong phiên ngày 1/12, khi những tín hiệu về việc tăng lãi suất chậm lại được đưa ra. Cụ thể, giá vàng miếng SJC tăng mạnh 300.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá mua và bán.
Thế nhưng đà tăng của vàng miếng trong nước không được lâu khi trong phiên cuối tuần 2/12, giá vàng SJC lại giảm 100.000 đồng/lượng ở hai chiều mua vào và bán ra.
Với diễn biến trái chiều của giá kim loại quý trong nước và thế giới đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai thị trường vàng xuống còn khoảng 13,2 triệu đồng/lượng.
Mặt khác, trong tuần qua, biên độ chênh lệch mua vào – bán ra của giá vàng SJC bất ngờ thu hẹp xuống còn 800.000 đồng/lượng, thay vì cả triệu đồng mỗi lượng so với tuần trước.