Thị trường trái phiếu còn thiếu công cụ để nhà đầu tư nhận biết rủi ro

Phạm Minh | 08:41 18/05/2022

Trước những “lùm xùm” về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua cho thấy cần có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành để nhà đầu tư cá nhân có thể đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu mình muốn đầu tư.

Thị trường trái phiếu còn thiếu công cụ để nhà đầu tư nhận biết rủi ro
Xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bùng nổ trong 5 năm qua, tăng trưởng bình quân 42%/năm và hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ và khoảng 15% GDP.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong sự bùng nổ này, những điều căn bản để phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững còn rất thiếu sót, do đó hiện đang gây ra những thiệt hại cho các nhà đầu tư, các trái chủ.

Lấy ví dụ về những thiếu sót này, TS. Hiếu nhắc lại những vụ việc gần đây đã xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam như Tân Hoàng Minh.

Kinh nghiệm từ thị trường Mỹ cho thấy, những thiếu sót như đang diễn ra trên thị trường Việt Nam bao gồm thiếu sót về mặt pháp lý, sự thiếu kiểm soát của những cơ quan quản lý và sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân hầu như không hiện hữu.

Nói về các nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ, TS. Hiếu cho rằng, sự hiểu biết về thị trường tài chính và tính tuân thủ luật pháp của họ rất cao, nếu bản thân họ không có kiến thức tài chính thì họ thường được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng đầu tư và các công ty luật.

Các công ty này rất có trách nhiệm khi tư vấn khách hàng.

Thị trường trái phiếu cũng có những công cụ của thị trường để nhà đầu tư nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định hợp lý và thông minh. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm (Credit Ratings), phần lớn các trái phiếu đều được rating bởi 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings.

Các trái phiếu được xếp hạng với 2 mức tín nhiệm: mức đầu tư hay đáng đầu tư (investment grade) và mức không đầu tư hay không đáng đầu tư (none – investment grade).

Trong mỗi mức này, có nhiều cấp độ khác nhau từ cao xuống thấp, nhưng trái phiếu được xếp hạng none – investment grade được gọi là trái phiếu rác, trái phiếu rủi ro cao (Junk bond).

Các nhà đầu tư muốn đầu tư an toàn, ít rủi ro thường không chọn những trái phiếu rác này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn trái phiếu rác vì lãi suất cao và họ đã phân bổ rủi ro trong danh mục đầu tư của họ.

“Điều quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là nhà đầu tư ý thức được mức độ rủi ro của trái phiếu, tức là khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành để quyết định mua hay bán”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam có hai công ty xếp hạng tín nhiệm, họ được Bộ Tài chính xem xét, thẩm định và cấp giấy phép hoạt động phù hợp với Nghị định 88 của Chính phủ về quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014.

Nhưng thực tế ở Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm, họ tự thẩm định và phần lớn là dựa vào uy tín của doanh nghiệp phát hành, sự hấp dẫn của lãi suất thường lên gấp đôi gấp ba so với lãi suất khuấy động của ngân hàng.

Riêng về xếp hạng tín nhiệm, TS. Hiếu mong các nhà đầu tư sử dụng xếp hạng tín nhiệm để có sự thẩm định và đánh giá của bên thứ ba về mức độ rủi ro của trái phiếu mình muốn mua.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, để thị trường trái phiếu phát triển dài hạn, minh bạch, lành mạnh cần có quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý cũng như thành lập các công ty đánh giá/xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập nhiều hơn và hiệu quả hoạt động cao, qua đó, nâng cao tính hiệu quả, độ an toàn cho phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thị trường cần phải có sự can thiệp để giảm rủi ro nhưng nếu đưa ra các biện pháp can thiệp vào việc phát hành trái phiếu thì phải phân biệt rõ người chơi với mức độ rủi ro nào. Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ không cực đoan nhưng phải xem xét cụ thể từng đối tượng và phải theo nguyên tắc quản trị rủi ro.

Với quan điểm khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Nghị định 153 đã được đưa ra và sửa 5 lần, nhưng đến bây giờ vẫn chưa hợp lý, đang khiến các doanh nghiệp bất động sản gần như không có cơ hội phát hành trái phiếu. Siết mục đích là tốt nhưng cần phải siết như thế nào để hợp lý là điều quan trọng?

“Ngoài ra, một số chuyên gia đang đề xuất bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng điều này là không cần thiết. Vì trái phiếu OTC trên quốc tế như Singapore cũng không cần đến xếp hạng tín nhiệm, không cần cả báo cáo tài chính. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thì xếp hạng tín nhiệm cũng được nhưng nên cân nhắc giữa việc bắt buộc hay khuyến khích. Khi đã khuyến khích thì cần có cơ chế khuyến khích, có những cơ chế, ưu đãi”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường trái phiếu còn thiếu công cụ để nhà đầu tư nhận biết rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO