Thị trường tiêu toàn cầu trầm lắng, trong nước điều chỉnh liên tục

Thu Hà | 14:23 04/07/2022

Thị trường tiêu toàn cầu khá trầm lắng và giá có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm do thiếu lực mua từ Trung Quốc, thị trường mua lớn nhất thế giới.

Thị trường tiêu toàn cầu trầm lắng, trong nước điều chỉnh liên tục
Giá tiêu nội địa đang giảm 10.000 đồng/kg tại các địa phương, tương đương gần 13%.

Theo khảo sát của MarketTimes, tại thị trường trong nước, sau khi giảm 9-10% trong tháng 5 xuống chỉ còn 69.000 – 72.000 đồng/kg, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên đã phục hồi trở lại trong nửa đầu tháng 6 lên mức 72.000 – 75.500 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với trên dưới 80.000 đồng/kg hồi đầu năm nay.

image001-7-.png
Giá tiêu tháng 6 điều chỉnh liên lục.

Trong tuần đầu tiên của tháng 6 (từ 1-5/6), giá tiêu trong nước có xu hướng đi lên tại các tỉnh trọng điểm trong nước. So với đầu tuần, giá thu mua tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Trong đó, mức giá thấp nhất là 71.500 đồng/kg có mặt tại tỉnh Gia Lai sau khi tăng 1.500 đồng/kg. Cùng tăng 1.500 đồng/kg là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, đang thu mua hồ tiêu với chung mức giá là 73.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại tăng 2.000 đồng/kg, gồm: Đồng Nai với mức giá 72.000 đồng/kg, Bình Phước với mức 74.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu với mức 75.000 đồng/kg.

Sang tuần thứ 2 của tháng 6 ( từ ngày 6-12/6), giá tiêu có xu hướng đi ngang tại các tỉnh trọng điểm trong nước. So với đầu tuần, giá chỉ biến động nhẹ 500 đồng/kg vào ngày giữa tuần. Mức giá thấp nhất là 71.500 đồng/kg cùng có mặt tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá thu mua tiêu ở mức cao nhất, đạt 75.000 đồng/kg.

Trong tuần thứ 3 của tháng 6 ( từ 13- 19/6), giá tiêu có xu hướng đi lên tại các tỉnh trọng điểm trong nước. So với đầu tuần, giá thu mua tăng 1.000 đồng/kg.

Trong đó, mức giá thấp nhất là 72.000 đồng/kg cùng có mặt tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai. Cùng ghi nhận mức giá 73.000 đồng/kg là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Nhỉnh hơn là tỉnh Bình Phước với giá 74.000 đồng/kg. Giá thu mua hồ tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang ở mức cao nhất trong các tỉnh, đạt 75.500 đồng/kg.

Thời điểm cuối tháng 6/2022 (từ 20-30/6), thị trường tiêu trong nước điều chỉnh liên tục. Sau quãng thời gian tăng. 1.500 – 2.000 đồng/kg, thị trường trầm lắng vài ngày rồi lại tăng thêm 1.000. Đến khi các đơn vị ngừng mua vào vì đủ hàng cho xuất khẩu thị trường lại điều chỉnh giảm nhẹ.

So với thời điểm ngày 1/1/2022, giá tiêu nội địa đang giảm 10.000 đồng/kg tại các địa phương, tương đương gần 13%.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%).

Tính riêng tháng 6/2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục có sự tăng trưởng, cao nhất trong các tháng đầu năm. Đưa giá trị kim ngạch vượt mốc nửa tỷ USD, giúp cho mục tiêu xuất khẩu tỷ đô trong năm 2022 sớm thành hiện thực.

Việt Nam là 1 trong 4 nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 90% thương mại toàn cầu. Trong đó, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam ổn định từ ngày 8/6 đến nay, và tăng 50 USD/tấn, tương ứng với 3.750 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 5.800 USD/tấn với tiêu trắng vào tuần trước. Cũng khoảng thời gian đó, thì giá tiêu trong nước mất 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại khi một vài thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ phong tỏa.

Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.


(0) Bình luận
Thị trường tiêu toàn cầu trầm lắng, trong nước điều chỉnh liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO