Thị trường ngày 31/5: Giá dầu giảm, vàng phục hồi, cao su tăng 7 phiên liên tiếp

Minh Quân | 07:09 31/05/2024

Phiên giao dịch 30/5, giá dầu giảm do nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ yếu, quặng sắt thấp nhất hai tuần, vàng phục hồi, cao su tăng 7 phiên liên tiếp.

Thị trường ngày 31/5: Giá dầu giảm, vàng phục hồi, cao su tăng 7 phiên liên tiếp
Ảnh minh họa

Dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp

Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chính phủ Mỹ báo cáo nhu cầu nhiên liệu yếu ở nước này đồng thời dự trữ xăng, nhiên liệu chưng cất tăng vọt.

Chốt phiên 30/5, dầu thô Bretn giảm 1,74 USD hay 2,1% xuống 81,86 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 1,32 USD hay 1,7% xuống 77,91 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này có xu hướng giảm trong tháng, dầu Brent giảm hơn 6% so với tháng trước, dầu WTI giảm khoảng 5%.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng. Tuy nhiên dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất bất ngờ tăng do nhu cầu yếu.

Các nhà phân tích dự kiến kỳ nghỉ lễ Memorial Day vào ngày 27/5, thời điểm bắt đầu mùa du lịch mùa hè ở Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, nhu cầu xăng đã giảm khoảng 2% so với tuần trước xuống 9,15 triệu thùng/ngày.

Giá xăng kỳ hạn của Mỹ giảm 2,6% xuống mức thấp nhất 3 tháng tại 2,4 USD/gallon, trong khi dầu diesel hàm lượng lưu huỳnh cực thấp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 tháng.

Áp lực tiếp với giá dầu, nhu cầu tài sản rủi ro của các nhà đầu tư đã dịu đi bởi khả năng việc nới lỏng tiền tệ bị trì hoãn ở Mỹ và Châu Âu. 

Nhu cầu nhiên liệu yếu và dự trữ dầu thô toàn cầu ngày càng tăng có thể thuyết phục các nhà sản xuất OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào ngày 2/6.

Vàng phục hồi 

Giá vàng tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi số liệu kinh tế của Mỹ làm tăng hy vọng Cục Dự trữ Liên bang đang theo xu hướng giảm lãi suất trong năm nay.

Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.344,19 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,1% lên 2.366,5 USD/ounce.

USD giảm 0,4% sau khi lên mức cao nhất hai tuần trong phiên này, khiến vàng hấp dẫn hơn cho người giữ các đồng tiền khác.

Đồng giảm

Giá đồng giảm do các quỹ bán tháo vị thế tăng giá, bởi lo ngại rằng lãi suất cao đang hạn chế nhu cầu kim loại, đặc biệt ở nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 2,9% xuống 10.153 USD/tấn, tiếp tục xa mức đỉnh 11.104,5 USD đã chạm tới trong tuần trước.

Đồng và các kim loại khác bớt sụt giảm một thời gian ngắn sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ yếu hơn dự kiến, đang gây áp lực lên chỉ số USD. USD yếu hơn khiến các hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh này rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.

Đồng LME có nguy cơ bị điều chỉnh sâu hơn và có thể giảm xuống 9.700 USD nhưng ở mức đó lực mua có thể sẽ tăng do hầu hết các nhà đầu tư tin vào triển vọng giá tăng trong trung và dài hạn.

Quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất hai tuần

Giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất hai tuần, bởi lo sợ nhu cầu tại Trung Quốc đang giảm sau khi Bắc Kinh nhắc lại lập trường tiếp tục kiểm soát sản lượng thép thô trong năm 2024

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 2,37% xuống 865 CNY (119,33 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 16/5.

Tại Singapore quặng sắt giao tháng 7 giảm 2,85% xuống 115,55 USD/tấn, cũng thấp nhất kể từ ngày 16/5. Trong phiên có lúc giá đã giảm 3,35%.

Trung Quốc có mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của các ngành công nghiệp chủ chốt ở mức tương đương 1% tổng lượng khí thải quốc gia năm 2023, đồng thời nhắc lại việc kiểm soát sản lượng kim loại.

Trong tháng 4, cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ tiếp tục quản lý sản lượng thép thô trong năm 2024. Bắc Kinh bắt đầu hạn chế sản lượng thép từ năm 2021 để hạn chế khí thải carbon.

Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,08% xuống 3.737 CNY (515,55 USD)/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 3.863 CNY (532,93 USD), trong khi dây thép cuộn tăng 0,33% lên 3.985 CNY (549,76 USD)/tấn và thép không gỉ ổn định tại 14.685 CNY (2.025,91 USD)/tấn.

Cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 7 liên tiếp

Cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 7 liên tiếp theo xu hướng tăng tại thị trường Thượng Hải và giá giao ngay tăng, mặc dù dầu giảm và đồng JPY mạnh hơn đã hạn chế đà tăng.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đã tăng khoảng 4% khi đóng cửa tăng 1,88% lên 346,2 JPY (2,21 USD)/kg.

Giá cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 395 CNY lên 15.670 CNY (2.161,83 USD)/tấn.

Giá gạo Việt Nam, Thái Lan giảm, giá của Ấn Độ ổn định

Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam giảm trong tuần này do nhu cầu yếu và nguồn cung đang tăng, trong khi gạo Ấn Độ giữ ổn định trong bối cảnh nhu cầu mạnh từ các quốc gia Châu Phi.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 580 – 585 USD/tấn, giảm từ 585 – 590 USD một tuần trước.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 được ước tính tăng 35,5% so với cùng tháng năm trước lên 980.000 tấn. Xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm năm tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước lên 4,15 triệu tấn.

Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 620 tới 630 USD/tấn, giảm nhẹ từ 630 tới 635 USD/tấn một tuần trước.

Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá giảm do phiên đấu giá trước đó đẩy giá bán lên cao một cách giả tạo nhưng cuối cùng gạo Thái Lan vẫn không bán được.

Một thương nhân khác cho biết nhu cầu ổn định từ Châu Phi và Iraq hỗ trợ giá và nguồn cung bổ sung sẽ đến trong tháng 7 và tháng 8.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm được chào bán ở mức 535 – 543 USD/tấn trong tuần này, thay đổi ít so với mức 536 – 544 USD/tấn một tuần trước.

Tại Bangladesh, giá vẫn ở mức cao bất chấp mùa màng và trữ lượng tốt, điều này ảnh hưởng nặng nề tới người tiêu dùng.

Cà phê tăng

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 93 USD hay 2,2% lên 4.270 USD/tấn sau khi đạt cao nhất một tháng tại 4.388 USD/tấn.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 1,5% lên 2,33 USD/lb.

Hoạt động giao dịch tại Việt Nam yếu trong tuần này do nguồn cung thấp và giá cao, trong khi mức cộng tại Indonesia giảm trong bối cảnh giá ở London tăng và gần tới vụ thu hoạch.

Nông dân tại Tây Nguyên, Việt Nam đang bán cà phê ở mức 120.000 – 121.200 đồng (4,71 – 4,76 USD)/kg, tăng từ 110.000 – 114.500 đồng một tuần trước.

Một lái thương cho biết “giao dịch hiện nay rất yếu do các nguồn cung cấp từ đại lý và nông dân rất thấp”. “Một số nhà rang xay phải mua cà phê robusta từ Brazil để đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng phải mất khoảng 3 tháng để cà phê đến đây, chưa kể thuế nhập khẩu bổ sung mà họ phải trả”.

Cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào bán ở mức cộng 600 – 700 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London.

Việt Nam đã xuất khẩu 833.000 tấn cà phê trong 5 tháng đầu năm nay, giảm 3,9% so với một năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong cùng giai đoạn này tăng 44% lên 2,9 tỷ USD.

Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra giao tháng 6 được chào bán ở mức cộng 800 USD trong tuần này giảm từ mức cộng 1.250 USD/tấn một tuần trước.

Đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,16 US cent hay 0,9% xuống 18,19 US cent/lb, tiếp tục giảm từ phiên trước.

Sản lượng đường tại Brazil vẫn tăng so với năm ngoái mặc dù thị trường dự đoán nửa cuối của niên vụ này sẽ không quá mạnh.

Mưa gió mùa đã đổ bộ vào bở biển bang Kerala ở cực nam của Ấn Độ trong ngày 30/5, sớm hơn hai ngày so với dự kiến, giúp giảm bớt đợt nắng nóng gay gắt đồng thời thúc đẩy triển vọng mùa màng bội thu.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,6% xuống 540,1 USD/tấn.

Ukraine sẽ chính thức cấm xuất khẩu đường sang Liên minh Châu Âu trong thời gian còn lại năm nay khi hạn ngạch EU của nước này đã được dùng hết.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 31/5


(0) Bình luận
Thị trường ngày 31/5: Giá dầu giảm, vàng phục hồi, cao su tăng 7 phiên liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO