Thị trường ngày 21/1: Giá vàng và đồng giảm, dầu, cao su và quặng sắt tăng

Minh Quân | 08:23 21/01/2023

Trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 20/1), giá dầu, cao su và cà phê tăng. Đáng chú ý, giá bông tăng mạnh do kỳ vọng vào nhu cầu của Trung Quốc. Trái lại, giá vàng phiên này giảm, cùng xu hướng với đồng và đậu tương.

Thị trường ngày 21/1: Giá vàng và đồng giảm, dầu, cao su và quặng sắt tăng
Ảnh minh họa

Dầu tăng 1%

Giá dầu tăng hơn 1% trông phiên cuối tuần do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 2 liên tiếp khi triển vọng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khả quan dần lên, thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu ở nước này.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên ở mức 87,63 USD/thùng, tăng 1,47 USD hay 1,7% so với phiên trước đó, dầu WTI của Mỹ tăng 98 US cent hay 1,2% lên 81,31 USD/thùng.

Nhiều nhà giao dịch tin rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng cao khi nước này tiếp tục dỡ bỏ các chính sách chống COVID. Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm chuyển sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Vàng giảm

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần tăng và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc ngày 20/1 giảm 0,2% xuống 1.928,06 USD/ounce, mặc dù có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/4, là 1.937,49 USD; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 tăng 0,2% lên 1.928,2 USD. Tính chung cả tuần giá vàng tăng 0,4%.

Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, cho biết: “Đồng đô la Mỹ đang dần ổn định trở lại và giá vàng có thể sẽ giảm vào tuần tới”.

Nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc đã giảm trong tuần này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi tại Nhật Bản và Singapore, một số người tiêu dùng đã bán vàng thỏi để đổi lấy tiền mặt do giá trong nước cao.

Đồng giảm

Giá đồng giảm khi Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên ở mức 9.305 USD/tấn. Mặc dù giảm trong phiên này song tính chung cả tuần vẫn tăng 1%.

Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài, rất nhiều người chen chúc trên các chuyến tàu và xe buýt để về quê, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát mới dịch COVID-19 – có thể ảnh hưởng đến nhu cầu kim loại nói riêng và hàng hóa nói chung.

Cà phê và đường tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 0,2 cent, tương đương 0,1%, lên 1,548 USD/lb. Hợp đồng này đã tăng 2% trong tuần sau khi giảm gần 10% trong hai tuần trước đó.

Thị trường arabica đã chịu áp lực trong năm nay do thời tiết vụ mùa thuận lợi ở Brazil, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, và lượng dự trữ được ICE chứng nhận tăng lên.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 cũng tăng 26 USD, tương đương 1,4%, lên 1.944 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi, là 1.947 USD.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,04 cent, tương đương 0,2%, lên 19,72 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 3 ít thay đổi ở mức 546,40 USD/tấn.

Ngô và đậu tương giảm, lúa mì tăng

Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong một 1 tuần do nhận định Argentina – nơi đang bị hạn hán – sẽ có những cơn mưa rào. Giá ngô biến động do doanh số xuất khẩu hàng tuần của Mỹ tăng nhưng triển vọng thời tiết của Argentina lại thuận lợi. Giá lúa mì tăng nhờ doanh số xuất khẩu tốt hơn dự kiến.

Trên Sàn giao dịch Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên giảm 9-3/4 cent xuống 15,05 USD/bushel, sau khi có lúc giảm xuống 15,04 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 1; ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 1-1/2 cent xuống 6,75-3/4 USD/bushel; trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 3 tăng 6-3/4 cent lên 7,41-1/4 USD/bushel.

Bông tăng mạnh

Giá bông kỳ hạn trên sàn ICE tăng 3% vào thứ Sáu và hướng đến tuần tốt nhất trong hơn hai tháng, được hỗ trợ bởi khối lượng xuất khẩu mạnh của Mỹ và hy vọng nhu cầu tăng từ nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc.

Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 3 tăng 2,26 cent, tương đương khoảng 2,7%, lên 85,65 cent/lb, biên độ dao động từ 83,57 cent đến 85,84 cent/lb.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 đã tăng khoảng 3,9% trong tuần này.

Doanh số xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo doanh thu thuần là 209.400 kiện bông của niên vụ 2022/2023, tăng so với tuần trước.

Dầu cọ tăng

Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng vào thứ Sáu, với hợp đồng giao tháng 4 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 0,39% lên 3.904 ringgit (911,51 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng giá 1,64%.

Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia từ ngày 1-20/1 đã giảm khoảng 38% so với cùng kỳ tháng 12 do xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm là Ấn Độ và Trung Quốc giảm.

Cao su tăng

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng vào thứ Sáu theo xu hướng tăng trên thị trường Thượng Hải và thị trường chứng khoán trong nước, nhưng lượng giao dịch ít trong kỳ nghỉ lễ tại nước mua hàng đầu thế giới - Trung Quốc.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 của Sở giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên tăng 0,8 JPY, tương đương 0,4%, lên 228,3 yên (1,77 USD)/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 70 CNY lên 13.390 CNY (1.974 USD)/tấn.

Sàn SHFE sẽ đóng cửa từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 1 để nghỉ Tết Nguyên đán. Giao dịch sẽ tiếp tục vào ngày 30 tháng 1.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tăng vào thứ Sáu khi các nhà giao dịch tiếp tục lạc quan về sự phục hồi kinh tế của nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc đã nâng cao tâm lý nhu cầu.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 1,8% lên 865,0 nhân dân tệ (127,51 USD)/tấn. Sàn DCE sẽ đóng cửa từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 1 để nghỉ Tết Nguyên đán. Giao dịch sẽ tiếp tục vào ngày 30 tháng 1.

Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 2 tăng 1,8% lên 125,95 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 21/1:

326593782_1347848492631515_4018890895579401621_n.jpg

(0) Bình luận
Thị trường ngày 21/1: Giá vàng và đồng giảm, dầu, cao su và quặng sắt tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO