Dầu tăng khi lo ngại về nhu cầu giảm bớt, căng thẳng địa chính trị
Giá dầu tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp, sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ giảm bớt lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu và chiến tranh ở Trung Đông đã giúp giá phục hồi khỏi mức thấp nhất trong 8 tháng vào thứ Hai.
Giá dầu thô Brent giao sau tăng 83 cent hay 1,06% lên 79,16 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 96 cent, tương đương 1,28%, lên 76,19 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau khi dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, cho thấy lo ngại thị trường lao động đang tê liệt đã bị thổi phồng.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara từ thứ Ba, một tuyên bố cho biết thêm rằng công ty đã giảm dần sản lượng của mỏ vì các cuộc biểu tình.
Các nhà phân tích tại Citi cho biết có khả năng giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 80 USD.
Vàng tăng hơn 1% nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn, Fed lạc quan cắt giảm lãi suất
Giá vàng tăng hơn 1% nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn vững chắc và kỳ vọng ngày càng tăng về việc cắt giảm lãi suất đáng kể từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9.
Vàng giao ngay tăng 1,8% lên 2.423,25 USD/ounce vào lúc 17:58 GMT, cắt đứt chuỗi giảm 5 phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,3% lên 2.463,3 USD.
Các công ty môi giới bao gồm J.P.Morgan, Citigroup và Wells Fargo đã dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 sau dữ liệu việc làm của Mỹ vào tuần trước.
Thị trường nhận thấy 72% cơ hội cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9, tăng từ 70% vào thứ Hai, theo CME FedWatch Tool, với mức cắt giảm bổ sung dự kiến vào tháng 12.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy có 233.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước, thấp hơn mức 240.000 mà các nhà kinh tế dự kiến và giảm từ 250.000 đơn của tuần trước đó, làm giảm bớt lo ngại về suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá bạc giao ngay tăng hơn 3,4% lên 27,49 USD/ounce, bạch kim tăng 1,4% lên 932,75 USD và palladium tăng 4,1% lên 918,75 USD.
Đồng tăng nhẹ do kỳ vọng tiêu thụ từ Trung Quốc, hy vọng lãi suất
Giá đồng tăng nhẹ do kỳ vọng tiêu thụ đồng được cải thiện ở Trung Quốc và việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào cuối năm nay.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London tăng 0,3% lên 8.794,5 USD/tấn, trước đó đã giảm xuống 8.716 USD, chạm gần mức thấp nhất trong 21 tuần vào thứ Hai là 8.714 USD.
Các yếu tố hạn chế sự phục hồi của đồng là USD mạnh hơn, tăng sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần trước giảm nhiều hơn dự kiến, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự trữ đồng của LME đã tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy ba tháng lên 294.750 tấn vào thứ Tư.
Về mặt kinh tế vĩ mô, các nhà giao dịch đã nâng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2024, với mức nới lỏng gần 105 điểm cơ bản dự kiến vào cuối năm nay.
Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ có thể gây áp lực lên USD và khiến kim loại rẻ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Tại LME, giá kẽm tăng 2,8% lên 2.625,5 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tháng trong phiên trước đó do tồn kho thấp. Nhôm giảm 0,5% xuống 2.277 USD/tấn, niken giảm 0,8% xuống 16.160 USD, chì tăng 0,1% lên 1.968,5 USD trong khi thiếc tăng 2% lên 30.580 USD.
Quặng sắt Singapore dưới 100 USD/tấn do đàm phán hạn chế sản lượng thép của Trung Quốc
Giá quặng sắt kỳ hạn Singapore giảm phiên thứ ba liên tiếp, xuống dưới mức tâm lý 100 USD/tấn do các cuộc đàm phán được nối lại về việc hạn chế sản lượng thép ở Trung Quốc. Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 giảm 2,03% xuống 99 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 31/7.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên Trung Quốc chốt phiên giảm 3,63% còn 729,5 nhân dân tệ/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 1/4.Hợp đồng này chạm mức thấp nhất trong ngày là 727 nhân dân tệ, mức yếu nhất kể từ ngày 15/8/2023.
Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục quản lý sản lượng thép thô trong năm nay nhưng vẫn chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết cần thiết nào về thời gian và quy mô.
Thị trường cũng bị đè nặng bởi nguồn cung ngày càng tăng khi nhập khẩu quặng sắt cao hơn trong tháng 7, tồn kho cảng cao và xuất khẩu quặng sắt tăng vọt từ Brazil.
Tại sàn Đại Liên, than cốc và than luyện cốc giảm lần lượt 1,75% và 1,82%.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,78% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, thép cuộn cán nóng giảm 2,04%, thanh thép giảm 3,17% và thép không gỉ giảm 0,76%.
Ngô, đậu tương giảm giá do dự kiến nguồn cung lớn
Giá ngô kỳ hạn tại CBOT giảm và giá đậu tương kỳ hạn thiết lập mức thấp mới, khi nông dân Mỹ tranh giành bán ngũ cốc và hạt có dầu vụ cũ khiến thị trường toàn cầu tràn ngập nguồn cung, các thương nhân cho biết.
Trong khi đó, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago trong ngày tăng cao do các dấu hiệu thời tiết mới gây thiệt hại cho cây trồng châu Âu, nhưng cuối ngày giảm nhẹ.
Chốt phiên, giá lúa mì CBOT giảm 3/4 cent xuống 5,37-1/2 USD/bushel. Đậu tương CBOT giảm 10-1/2 cent xuống 10,08-1/4 USD/bushel, trong khi ngô giảm 3-3/4 cent xuống 3,97 USD/bushel.
Cacao trượt dốc với thị trường sẽ chuyển sang thặng dư
Giá ca cao đã giảm mạnh khi thời tiết thuận lợi ở Tây Phi làm tăng triển vọng thặng dư toàn cầu trong niên vụ 2024/25 sắp tới. Ca cao kỳ hạn tháng 12 tại New York giảm 304 USD, tương đương 4,3%, xuống 6.714 USD/tấn. Ca cao London kỳ hạn tháng 12 giảm 4,3% xuống 5.264 pound/tấn.
Thặng dư ca cao 108.500 tấn được dự báo vào mùa tới sau khi thâm hụt kỷ lục 475.000 tấn trong niên vụ 2023/24, một cuộc thăm dò của Reuters với 12 thương nhân và nhà phân tích cho thấy.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa vụ hiện tại đang buộc các nhà máy xay phải rút kho dự trữ và đẩy tồn kho hạt ca cao trong kho của Mỹ xuống mức thấp nhất trong bốn năm, ING cho biết.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1 cent, tương đương 0,4%, xuống 2,453 USD/lb sau khi chạm mức cao nhất một tháng là 2,5175 USD. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 1% xuống 4.436 USD/tấn.
Giá đường tăng hơn 2%
Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,43 cent, tương đương 2,4%, lên 18,57 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 2,4% lên 526,60 USD/tấn. Giá tăng là do chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu, và thời tiết khô hạn ở Brazil.
Một cuộc khảo sát do S&P Global Commodity Insights thực hiện cho thấy sản lượng đường trung bình trong nửa cuối tháng 7 là 3,6 triệu tấn, giảm 2,4% so với một năm trước đó.
Cao su Nhật Bản cao nhất hơn 2 tuần do lo ngại nguồn cung của Thái Lan
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp đạt mức cao nhất trong hơn hai tuần, do sự gián đoạn nguồn cung ở Thái Lan và giá dầu cao hơn, mặc dù đồng yên mạnh hơn đã hạn chế mức tăng. Hợp đồng cao su Osaka Exchange (OSE) giao tháng 1/2025 tăng 1,4 yên, tương đương 0,44%, lên 321,3 yên (2,19 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất trong ngày là 323,6 yên, mức mạnh nhất kể từ ngày 22/7.
Hợp đồng cao su trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giao tháng 1/2025 tăng 220 nhân dân tệ, tương đương 1,4%, lên 15.905 nhân dân tệ (2.216,01 USD)/tấn. Giá cao su tự nhiên tăng khi các khu vực sản xuất bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và dịch bệnh mùa màng, Hexun Futures cho biết trong một lưu ý.
Cơ quan khí tượng Thái Lan cho biết mưa lớn trên thượng nguồn Thái Lan từ ngày 29/7 đến ngày 4/8 và lũ lụt ở một số khu vực.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore chốt phiên ở mức 170,3 US cent/kg, tăng 0,8%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 09/08/2024