Thị trường M&A chuyển từ phòng thủ sang tiến công: Đâu là “khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài?

Nguyễn Đức Thịnh | 08:42 29/11/2023

Sự ổn định về kinh tế vĩ mô cùng các yếu tố về pháp lý, môi trường đầu tư, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất, thương mại… tiếp tục được xem là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đón dòng vốn mới và nhiều lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường M&A chuyển từ phòng thủ sang tiến công: Đâu là “khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài?
Lĩnh vực tài chính và ngân hàng đang được các nhà đầu tư ưa chuộng. (Ảnh: Int)

10 tháng có 265 giao dịch

Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023 thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.

Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy sự ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Theo bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập & Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn thương vụ ASART, ESG (áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất xanh) sẽ là yếu tố quyết định và tất yếu trong các thương vụ M&A hiện nay cũng như trong thời gian tới. Do đó, ESG cũng là một trong nhưng yếu tố thách thức để quyết định các thương vụ M&A.

Còn đại diện KPMG đánh giá, thị trường M&A Việt Nam chuyển từ phòng thủ sang tiến công, khi năm 2023 được coi là năm phòng thủ trước các biến động lớn, thị trường M&A có thể sẽ chứng kiến sự tiến công mạnh mẽ trong năm 2024.

Ông Đinh Thế Anh, Trưởng bộ phận M&A (KPMG Việt Nam) đánh giá, những rủi ro và biến động của thị trường hiện nay khiến người mua và người bán trên thị trường đều trở nên cẩn trọng hơn. Trước đây, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu tốt, mạnh mẽ trong thời gian ngắn, thì bây giờ chuyển hướng sang tìm kiếm những công ty có độ tăng trưởng bền vững cao.

Tài chính đứng đầu các thương vụ M&A

Thống kê những thương vụ từ đầu năm đến tháng 10 năm 2023, lĩnh vực tài chính đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 2 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất của năm cho đến nay là SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đây cũng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt.

Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) bán 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service (thuộc AEON Group) thu về 4.300 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng SHB (SHBFinance), với tổng giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ đã và đang được thực hiện như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison của Nhật Bản; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hoàn thành việc thoái 40% vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thu về 2.568 tỷ đồng…

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dự kiến bán 32,5% vốn cho 2 đối tác ngoại. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu cổ phiếu, thực hiện trong năm 2023 - 2024. Còn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn với 455,3 triệu cổ phiếu…

Ở lĩnh vực bất động sản, thị trường duy trì gần 1 tỷ USD như năm 2022 và chứng kiến nhiều thương vụ lớn như ESR Group Limited mua lại cổ phần chiến lược của BW Industrial với tổng giá trị 450 triệu USD; Gamuda Land mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực.

Keppel mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị 50,4 triệu USD. Nhà đầu tư Singapore này cũng mua lại từ Tập đoàn Khang Điền 49% cổ phần của hai dự án khu dân cư liền kề ở TP. Thủ Đức, với tổng giá trị 136 triệu USD và tiếp tục mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị 50,4 triệu USD…

Chưa kể, một số thương vụ chưa được xác nhận như Capital Land mua lại một phần Dự án Ocean Park 3 của Vinhomes tại Hà Nội và một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng, với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD…Ngoài ra, vác lĩnh vực khác tiếp tục thu hút dòng vốn M&A như y tế, tiêu dùng, năng lượng, công nghệ…

Cơ hội nào cho năm 2024?

Năm 2024, thị trường M&A Việt Nam vẫn chịu áp lực từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường M&A thế giới. Nhưng sự ổn định về kinh tế vĩ mô cùng các yếu tố về pháp lý, môi trường đầu tư, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất, thương mại… tiếp tục được xem là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đón dòng vốn mới. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.

Nhận định về triển vọng thị trường năm 2024, ông Ivan Alver, đồng Chủ tịch Global M&A Partners đánh giá, nhờ điểm mạnh về chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao, chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc, Việt Nam đang được các công ty đa quốc gia lựa chọn làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng thị trường ngày càng cạnh tranh và tăng trưởng.

Theo ông Đinh Thế Anh, các lĩnh vực M&A tiềm năng thời gian tới là y tế, sức khỏe; tiêu dùng tài chính, bảo hiểm; năng lượng và bất động sản. Đặc biệt, dòng tiền có tín hiệu quay trở lại thị trường bất động sản khi lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, khách hàng được tiếp cận khoản vay mới. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm đến tiềm năng hấp dẫn các nhà sản xuất trên thế giới.

Còn ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành RECOF Việt Nam nhận định, các lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn đặc biệt quan tâm những ngành đang có tiềm năng phát triển tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành bán dẫn, chip…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường M&A chuyển từ phòng thủ sang tiến công: Đâu là “khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO