Thị trường khí đốt dần tái cân bằng, giá gas quốc tế giảm

Nhật Đức | 11:46 05/05/2023

Sau cú sốc về nguồn cung năm 2022, thị trường khí đốt hiện đang dần tái cân bằng khi các kho dự trữ tại nhiều quốc gia đang ở mức cao.

Thị trường khí đốt dần tái cân bằng, giá gas quốc tế giảm
IEA dự báo thị trường khí đốt có thể sẽ thắt chặt vào cuối năm 2023. Ảnh: Int

Trên thị trường quốc tế, giá gas (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas - mã hàng hoá: NGE) hôm nay (5/5) giảm 5,1% còn 2,06 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2023.

Trong năm 2022, thị trường khí đốt châu Âu và toàn cầu đã phải hứng chịu một cú sốc nguồn cung lớn khi Nga giảm 80% lượng khí đốt cung cấp qua đường ống cho Liên minh châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Cho đến nay, các thị trường khí đốt toàn cầu đang dần tái cân bằng nhưng dự kiến ​​sẽ tiếp tục thắt chặt vào cuối năm 2023 trong bối cảnh các chuyến vận chuyển khí đốt qua đường ống của Nga tới châu Âu giảm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết

IEA cũng cho biết thêm trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý của mình: “Sự căng thẳng của thị trường suy giảm và các kho có lượng dự trữ tương đối cao trước mùa hè là những lý do dẫn đến sự lạc quan đối với an ninh nguồn cung”.

Báo cáo cho biết: "Triển vọng cải thiện đối với thị trường khí đốt hiện tại không đảm bảo trước những biến động trong tương lai khi nguồn cung khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục khan hiếm thời gian tới và cán cân toàn cầu chịu nhiều bất ổn".

Những rủi ro có thể kể đến bao gồm thời tiết bất lợi, lượng LNG sẵn có thấp hơn và khả năng giao hàng của Nga tới châu Âu tiếp tục giảm, có thể làm gia tăng căng thẳng thị trường và biến động giá cả.

Ở châu Âu, mức tiêu thụ khí đốt đã giảm kỷ lục 16%, tương đương 55 tỷ mét khối (bcm) trong mùa đông 2022/23. Báo cáo cho biết EU chỉ cần một nửa mức bổ sung lưu trữ được sử dụng vào mùa hè năm 2022 để đạt được mục tiêu lưu trữ 90% vào đầu mùa nóng 2023/24.

LNG hiện chiếm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt trong mùa nóng 2022/23. Nhập khẩu LNG của châu Âu tăng 25%, tương đương 20 bcm trong mùa hè với Hoa Kỳ cung cấp hơn 45% nguồn cung gia tăng.

Nhưng nguồn cung LNG toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tăng 4% (hoặc hơn 20 bcm) vào năm 2023, điều này sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dự kiến ​​trong nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga cho châu Âu.

Trong khi đó, nhập khẩu LNG của Trung Quốc, đã giảm 20% vào năm 2022, cho phép lượng LNG chảy sang châu Âu cao hơn.

Về giá gas trong nước, sau đợt giảm giá mạnh vào đầu tháng 4, khi giảm đến 62.000 đồng/bình 12kg, giá gas ghi nhận mức tăng trong tháng 5.

Ngày 30/4, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ 1/5, giá gas của công ty sẽ tăng 2.000 đồng/bình 12kg và 8.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 438.500 đồng/bình 12kg và 1.826.000 đồng/bình 50kg.

Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ ngày 1/5 giá gas tăng 2.000 đồng/bình 12kg và 7.500 đồng/bình 45kg. Vì vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 419.912 đồng/bình 12kg và 1.575.170 đồng/bình 45kg.

Giá gas của Petrolimex tại Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. Theo đó, từ ngày 1/5, giá gas tăng 1.300 đồng/bình 12 kg và 5.300 đồng/bình 48 kg. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 406.600 đồng/bình 12 kg và 1.626.300 đồng/bình 48 kg.

Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 4 chốt 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng theo.

Sau hai tháng giảm liên tiếp, giá tháng gas tháng 5 quay đầu tăng nhẹ. Như vậy từ đầu năm đến nay giá gas có ba tháng giảm với tổng mức 97.000 - 101.000 đồng/bình 12kg và có hai tháng giá tăng với tổng mức 65.000 đồng/bình 12kg.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường khí đốt dần tái cân bằng, giá gas quốc tế giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO