“Taxi bay”, loại máy bay điện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) hoạt động ở các chặng bay ngắn, đang tiến gần hơn đến bầu trời ở các đô thị sau khi nhận được các đơn hàng lớn. Một số hãng hàng không bắt đầu sốt sắng đặt mua máy bay eVTOL vì họ nhận thấy tiềm năng phát triển một mảng kinh doanh mới, liên quan đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở nội đô giữa lúc mảng kinh doanh chính, vận chuyển hàng khách ở các chặng bay dài đang đối mặt với các quy định hạn chế khí thải carbon.
Công ty khởi nghiệp phát triển máy bay điện Vertical Aerospace ở Anh, cho biết đã nhận được các đơn hàng đặt mua 1.000 máy bay eVTOL với tổng trị giá có thể lên đến 4 tỉ USD từ hai hãng hàng không American Airlines (Mỹ), Virgin Atlantic Airways (Anh) và Công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings (Ireland).
Mới đây, công ty khởi nghiệp taxi hàng không Wisk Aero cũng đã tiết lộ máy bay thế hệ thứ sáu của mình, một loại máy bay bốn chỗ chạy hoàn toàn bằng điện có thể bay mà không cần người lái. Wisk Aero có trụ sở tại khu vực vịnh San Francisco, Mỹ, đã sáp nhập với đối thủ Kitty Hawk Corp vào năm 2017. Sau đó, Boeing đã tăng gấp đôi đầu tư vào Wisk khi đổ thêm 450 triệu USD vào đầu năm nay.
Wisk Gen6 là ứng cử viên hàng đầu để trở thành chiếc taxi bay đầu tiên được Cục Hàng không liên bang thông qua. Giá dự kiến cho một chuyến bay với Wisk vào khoảng 4,8 USD/khách/km (tương đương khoảng 117.000 đồng). Với tốc độ tối đa 222km/h, Wisk Gen6 có tầm hoạt động 145km ở độ cao 762 - 1.219 mét so với mặt đất. Chiếc taxi bay này có thể sạc trong 15 phút
Airbus – 1 trong 2 ông lớn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới cho biết họ không vội vã trong kế hoạch đưa taxi bay ra thị trường. Bình luận về việc các hãng đối thủ đang cho ra đời hàng trăm đơn đặt hàng, đại diện Airbus chỉ đáp ngắn gọn rằng điều này giúp ích cho toàn ngành bằng cách tiến bộ về hệ thống điện và cơ sở hạ tầng.
Bà Balkiz Sarihan, người đứng đầu bộ phận chiến lược di động hàng không đô thị cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Năm rằng nhà sản xuất châu Âu vẫn chưa ra mắt thiết kế CityAirbus của mình và thay vào đó sẽ tập trung vào phát triển và hoàn thiện một nguyên mẫu trước khi tham gia các cuộc thảo luận thương mại với khách hàng tiềm năng.
“Trái ngược với những người khác, chúng tôi có quan điểm trung và dài hạn hơn,” Sarihan nói trong một cuộc họp ngắn ở Munich.
Airbus đã tiết lộ mẫu CityAirbus NextGen của mình vào năm ngoái sau khi cải tiến bản thiết kế trước đó và đang nhắm mục tiêu chuyến bay đầu tiên vào năm 2023. Quá trình "thai nghén" lâu dài của chiếc taxi bay đầu tiên từ nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã chứng kiến một nhóm các công ty khởi nghiệp bắt đầu nhận đơn đặt hàng và vận hành giao dịch từ các hãng hàng không và chính quyền thành phố trong khi thu hút hàng tỷ USD đầu tư bên ngoài.
Sarihan cho biết Airbus không cần phải vội vàng tung ra thị trường vì công việc phát triển máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, hay còn gọi là taxi bay, được tài trợ 100% trong nội bộ và không phụ thuộc vào việc huy động tài chính bên ngoài hoặc thu hút đơn đặt hàng.
Theo vị Giám đốc điều hành này, mặc dù Airbus cam kết chuyển đổi giảm phát thải trong đô thị và nhận thấy lợi ích trong danh mục đầu tư rộng lớn hơn của mình từ việc phát triển các công nghệ cần thiết, nhưng lĩnh vực này cũng phải trả giá và cần nghiên cứu kĩ lưỡng.
“Nó không chỉ dành cho những người đam mê hàng không vũ trụ và các chuyên gia. Nó hoàn toàn phải tạo ra giá trị”, cô nói thêm.
Theo Bloomberg