Thị trường đất nền phía Nam xuất hiện tình trạng “lạ”: Sáng mua, trưa bán?

Bảo Anh | 16:20 06/06/2023

Những thương vụ “lướt sóng”, cụ thể là lướt cọc vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường đất nền phía Nam. Có điều lạ hơn so với trước đây là các vụ lướt sóng này diễn ra ở sản phẩm giá ngộp sâu.

Thị trường đất nền phía Nam xuất hiện tình trạng “lạ”: Sáng mua, trưa bán?

Mới đây, tại khu vực quận 9 đã diễn ra thương vụ “lướt cọc” chóng vánh với mức chênh hơn 100 triệu đồng. Thương vụ này diễn ra giữa môi giới và người mua.

Đó là nền đất hơn 50m2 rao bán ngộp tại khu vực P.Long Trường, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM). Sau khi làm giá với chủ đất còn 2.2 tỉ đồng/nền, môi giới cọc 100 triệu đồng và bán chênh cho nhà đầu tư khác với giá 2.350 tỉ đồng. Thương vụ này chỉ diễn ra trong vòng 1,5 ngày.

Tương tự, nền đất gần 60m2 tại P.Long Phước mới đây môi giới cũng vào mua “dùm” nhà đầu tư và hưởng chênh 80 triệu đồng. Sau khi có khách hỏi mua nền đất ngộp này, chốt với chủ đất giá 1.9 tỉ đồng/nền nhưng sau đó môi giới giao dịch với người mua giá 1.980 tỉ đồng.

Các trường hợp kê chênh giá nền đất ngộp dù không phổ biến nhưng vẫn âm thầm diễn ra ở một số trường hợp môi giới. Vin vào việc giá đất hạ nhiệt, môi giới liên tục vào “đạp” giá chủ đất để mua được giá rẻ nhất. Sau khi đã nhắm được nguồn khách mua, hoặc môi giới xuống cọc rồi “lướt” hưởng chênh hoặc kê chênh thêm giá chốt.

Hiện các nền đất giá ngộp ở một số khu vực như Q.9, huyện Củ Chi, Hóc Môn đang được rao bán khá nhiều. Nguồn hàng ngộp nhiều nhưng sức mua ít là lý do khiến việc người mua trả giá thấp thường xuyên diễn ra. Các môi giới sẽ chịu trách nhiệm trong việc kết nối người mua và trả giá. Điều này cũng nảy sinh những trường hợp kê chênh hoặc lướt cọc các nền đất tiềm năng, giá rẻ hẳn so với thị trường.

160.jpeg

Thực tế, tình trạng: sáng mua, trưa bán đã từng diễn ra phổ biến trên thị trường bất động sản. Điều này xảy ra khi thị trường đất nền sôi động, hoạt động mua bán nhộn nhịp. Tuy nhiên, hiện nay, điều này xuất hiện ngay lúc thị trường trầm lắng được xem là hiện tượng “lạ”.

Không hiếm trường hợp môi giới ôm đất giá rẻ nhằm “lướt cọc” nhưng sau đó bể kèo phải xuống tiền. Trong bối cảnh thị trường khó khăn dòng tiền như hiện nay đây là điều khá rủi ro.

Một nhà đầu tư lâu năm tại khu Đông Tp.HCM cho biết, việc lướt cọc nền ngộp giá sâu thực tế cũng là điều dễ hiểu. Chính khi trả giá được thấp trong bối cảnh thị trường khó khăn mới là lúc “dễ lướt” nhất. Những môi giới lâu năm trong nghề họ sẽ tìm cách để có được khoản tiền chênh từ các giao dịch. Điều này có thể nhờ sự giúp sức của chủ nhà/đất.

Cũng theo nhà đầu tư này, hiện nhiều chủ đất cần tiền nên có thể bán bằng mọi giá. Đây cũng là lý do tạo nên những giao dịch chênh giữa môi giới và bên mua. Giai đoạn này cũng là thời điểm bên bán có nhiều sự lựa chọn và trả giá bên mua rất “rát”.

Ngoài ra, thị trường hiện nay ngoài những giao dịch giảm giá và nhà đầu tư ôm hàng chờ thị trường, thì vẫn xuất hiện các giao dịch mua sáng, bán chiều ở các nhà đầu tư lướt sóng. Mới đây, có trường hợp nhà đầu tư mua căn nhà 5 tỉ (giá này đã giảm 800 triệu so với giá thị trường khu vực), cọc 700 triệu đồng, sau đó khoảng 3 ngày có nhà đầu tư khác vào hỏi mua với giá 5,4 tỉ đồng. Nhà đầu tư này bán hưởng chênh 400 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn. Đây cũng được xem là hiện tượng “lạ” trong bối cảnh thị trường khó khăn thanh khoản. Điều này cũng xuất phát từ việc người mua mua được bất động sản giá tốt, bất động sản tiềm năng nên dễ bán, dễ lướt.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Thị trường đất nền phía Nam xuất hiện tình trạng “lạ”: Sáng mua, trưa bán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO