Nhiều ngân hàng nối lại hoạt động chuyển sàn
Trong năm ngoái, vì bối cảnh vĩ mô và thị trường không thuận lợi, một số cổ phiếu ngân hàng đã không thể chuyển sàn lên HoSE. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế được đưa ra. Cùng lúc, thị trường chứng khoán cũng "sáng" lên. Trong bối cảnh đó, các nhà băng đang gấp rút hoàn thành thủ tục để sớm được niêm yết.
Như mới đây, NamABank (mã chứng khoán: NAB) công bố thông tin về việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu NAB trên HoSE. Được biết, NamABank đã có chủ trương niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ trước tuy nhiên bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường đã khiến việc niêm yết cổ phiếu bị hoãn trong năm 2022.
Hay tại VietBank, ngày 26/04/2022, Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng đã thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với mã cổ phiếu VBB. Nhà băng này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành theo quy định của pháp luật để niêm yết trên thị trường chứng khoán, song cũng gặp vấn đề chưa đảm bảo quy định hành chính, do đó trong năm 2022 kế hoạch vẫn chưa được thực hiện. Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng được tổ chức hồi tháng 4/2023 đã quyết định khởi động lại chương trình và phấn đấu niêm yết cổ phiếu VBB trên HoSE khi đáp ứng được các điều kiện quy định của pháp luật và điều kiện thị trường thuận lợi.
Đại hội cổ đông năm 2023 hồi tháng 4 của ABBank cũng đã thông qua việc tiếp tục ủy quyền cho Hội đồng Quản trị tiến hành các thủ tục cần thiết để niêm yết cổ phiếu ABB trên HoSE khi điều kiện thuận lợi. Được biết, An Bình đã có chủ trương niêm yết trên thị trường từ 2018, song vì nhiều lý do, đến nay kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.
Danh sách các ngân hàng muốn niêm yết trên HoSE trong năm nay còn có VietCapitalBank (mã chứng khoán: BVB). Theo đánh giá của ban lãnh đạo VietCapitalBank, việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp nâng cao vị thế, uy tín, thương hiệu của ngân hàng trên thị trường; tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông; đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ cho hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng chuyển sàn: Cơ hội và những lưu ý cho nhà đầu tư
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, các quy định niêm yết ở HoSE có phần khắt khe hơn so với ở HNX hay UPCoM. Việc niêm yết được trên thị trường này sẽ là minh chứng cho việc doanh nghiệp đã đáp ứng được nhiều tiêu chí về quy mô vốn, minh bạch, chất lượng quản trị công ty,… qua đó, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại, góp phần tăng cường khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị cổ phiếu cho cổ đông. Nhìn chung, đây là một động thái có lợi cho cổ phiếu và doanh nghiệp. Vì lẽ đó, không ít công ty trong đó có các ngân hàng có mong muốn chuyển sàn lên HoSE sau một thời gian phát triển.
Giai đoạn 2020-2021 khi thị trường thuận lợi, thị trường đã chứng kiến làn sóng nhiều cổ phiếu ngân hàng như VIB, ACB, OCB, SHB,... đổ bộ lên sàn HoSE. Tuy nhiên, năm 2022 nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn. Do đó, không ít nhà băng đã phải hoãn kế hoạch niêm yết. Mặt khác, ngân hàng là ngành đặc thù phải thường xuyên phải đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vốn. Để thực hiện được điều này, không thể không cần đến sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán. Vì lẽ đó, khi chính sách tiếp sức cho nền kinh tế được đưa ra nhiều hơn, thị trường cổ phiếu ấm dần lên, các nhà băng đã khởi động lại và xúc tiến chương trình niêm yết cổ phiếu lên HoSE.
“Ngành ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành tương đối lớn với gần 60 tỷ cổ phiếu, đồng nghĩa với cung tương đối nhiều. Vì thế để cổ phiếu ngành ngân hàng lên giá mạnh cần thêm dòng tiền lớn chảy vào, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư ngoại. Việc chuyển sàn lên HoSE sẽ phần nào thúc đẩy công tác thu hút vốn thuận lợi hơn và có thể tạo ra kỳ vọng thúc đẩy giá cổ phiếu của các đơn vị có dự định này tăng lên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thực tế vẫn tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn như pháp lý, thủ tục giấy tờ có thể ảnh hưởng đến khả năng và thời gian niêm yết thành công của các doanh nghiệp”, ông Đặng Trần Phục đánh giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05/2023 giá thị trường của ABB, NAB, BVB vẫn đang thấp hơn so với giá trị sổ sách của các cổ phiếu này. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, NamABank đang là cổ phiếu giá tăng trưởng nhanh nhất với hơn 14%; Theo sau là ABBank (~7%); BVB (~1,4%), riêng VBB giảm nhẹ so với đầu tháng.