Có lẽ cái từ “vết chân màu đỏ” của anh Đức dường như ám chỉ gam màu chủ đạo trên thị trường chứng khoán năm 2023. Một gam màu mà không một nhà đầu tư nào mong muốn nhìn thấy.
Chia sẻ trên báo chí về thị trường chứng khoán 2023, ông Hồ Sỹ Hoà - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán DNSE chỉ buông hai từ: Hụt hẫng.
2023 - Một năm nhiều cung bậc cảm xúc
Nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2023 không phải toàn là “màu đỏ” như nhiều nhà đầu tư nói. Trong giai đoạn từ đầu năm đến đầu tháng 9 thị trường diễn biến theo chiều hướng tích cực. Các phiên tăng điểm dù không phải chủ đạo nhưng về chiếm nhiều hơn về số lượng so với các phiên giảm điểm. Có thời điểm VN-Index ghi nhận mức tăng gần 24% so với đầu năm, đạt hơn 1.255 điểm.
Thời điểm đó các chuyên gia tin tưởng rằng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc do được thụ hưởng các chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước khi có tới 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, khoảng 3 quý đầu năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam cùng chung xu hướng với thị trường chứng khoán thế giới khi có những điểm hồi phục khá tích cực sau một năm 2022 đầy giông bão. Cụ thể, VN-Index tăng 12% trong năm 2023 và lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á. Dù vậy, mức tăng này chưa đủ để đưa chỉ số về lại đỉnh cũ. Thậm chí lúc con số cao nhất VN-Index trong năm vào đầu tháng 9 khi chạm đến gần 1.250 điểm nhưng vẫn còn cách rất xa đỉnh lịch sử 1.500.
Điều đáng “buồn” là sau đỉnh của năm đó thị trường lại điều chỉnh đi xuống và 2 tháng qua VN-Index mất hơn 200 điểm trong. Như vậy thành quả của giai đoạn trước gần như tiêu tan sau nhịp điều chỉnh chủ yếu do yếu tố ngoại biên. Cụ thể, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) tăng hơn 7% từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, tạo áp lực lên tỷ giá, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước thực hiện biện pháp can thiệp là rút một lượng lớn tiền về hệ thống thông qua kênh tín phiếu. Trong khi đó, khối ngoại duy trì động thái bán ròng. Tâm lý nhà đầu tư nội bị ảnh hưởng khiến VN-Index giảm điểm, dù yếu tố vĩ mô trong nước vẫn tích cực.
Giai đoạn cuối năm 2023 VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.100 điểm, đóng cửa phiên 29/12 tại 1.129,93 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2022. Một con số kết thúc năm không làm vui lòng các nhà đầu tư.
Nhiều góc nhìn lạc quan ngay từ đầu năm 2024
Một trong những yếu tố quan trọng kìm chân chứng khoán Việt Nam là sự mất cân bằng về cơ cấu. Theo dữ liệu từ Bloomberg, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,… Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn.
Với cơ cấu tỷ trọng này, sự phục hồi của chứng khoán Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng hồi phục của nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, các nhóm ngành này lại đang gặp không ít thách thức và triển vọng phục hồi vẫn còn bỏ ngỏ dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ được đưa ra.
Nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm khiến nguồn thu của các doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng. Điều này khiến khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng gặp khó trong khi kênh trái phiếu dù đã ổn định hơn nhưng vẫn còn những nút thắt chưa thể giải quyết triệt để.
Thêm nữa, áp lực trả nợ trong năm 2024 vẫn rất lớn đối với nhóm bất động sản khi ước tính sẽ có khoảng 123.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. FiinGroup nhận định, bất động sản là ngành chủ chốt và một trong những yếu tố rủi ro chính cho đà phục hồi kinh tế của năm sau nằm ở nhóm này. Thị trường bất động sản được kỳ vọng hồi phục vào giữa năm 2024 nhưng chi tiết thời gian hồi phục hiện tại vẫn chưa có chỉ báo.
Trong khi đó các công ty chứng khoán vẫn có những dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 và tin tưởng VN-Index sẽ trở lại gần đỉnh lịch sử.
Công ty chứng khoán Quốc Gia (NSI) kỳ vọng nền kinh tế trong nước tiếp đà hồi phục và chỉ số VN-Index hướng tới vùng 1.400 điểm trong năm 2024. Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra quan điểm lạc quan về thị trường trong năm 2024 với kỳ vọng VN-Index có thể đạt vùng 1.400 – 1.450 điểm.
Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo VN-Index có thể tăng lên mức 1.460 điểm vào năm 2024. PHS tin rằng những chính sách hỗ trợ từ phía đầu tư trong nước sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ. GDP được kỳ vọng sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng ổn định quanh 6,5%.
Đặt kỳ vọng thấp hơn, Chứng khoán TPS dự báo VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất). Lý do được TPS đưa ra là các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các Ngân hàng Trung Ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng góc nhìn lạc quan, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh vĩ mô cải thiện tích cực. MBS còn đưa ra dự báo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng trưởng dương 6 – 7% trên thấp của năm 2023 nhờ áp lực chuỗi cung ứng hạ nhiệt đáng kể, đồng thời nhu cầu điện thoại, linh kiện điện tử đang có xu hướng tạo đáy. Giải ngân đầu tư công ước tính tăng ước đạt tỷ lệ 85% - 90% kế hoạch nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy của cơ quản quản lý. Chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ ở trạng thái cân bằng hơn, tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng. Lãi suất đầu vào có xu hướng tạo đáy trong quý 1/2024 và tăng nhẹ từ giữa năm song vẫn duy trì ở nền thấp.
Trong khi đó VinaCapital đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ tăng vọt lên hơn 20% vào năm 2024.
Nói như nhà đầu tư Phan Minh Đức; “Hy vọng năm 2024 chúng tôi sẽ được bước đi trên cỏ xanh”.