Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cùng với sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các nhiệm vụ lớn, quan trọng khác, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án trên cả nước với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng và hơn 300.000 ha đất đang ách tắc.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang vướng mắc, ngày 5/5, báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.
Trước đó, vào ngày 30/3, chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1.533 dự án đã có báo cáo, nếu có các dự án phát sinh thì tiếp tục giải quyết, tinh thần là rõ tới đâu làm tới đó, làm tới đâu chắc tới đó, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; với những vấn đề có tính cá biệt thì phải đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý. Về thời hạn, Thủ tướng chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30/5.
Về tổng quan các dự án vướng mắc, tồn đọng trên cả nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 25/3, tổng số có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan này hiện đã sơ bộ phân loại các khó khăn, vướng mắc thành 17 nhóm vấn đề liên quan như: Xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài nhằm không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải phóng, huy động, khai thác được nguồn lực rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số những năm tiếp theo; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý thỏa đáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giải tỏa được bức xúc của nhân dân, của cán bộ.